Cũng theo báo cáo này - được công bố trên tạp chí y học The Lancet - số người đột quỵ cũng như số người chết hoặc tàn tật do đột quỵ đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua.

Số người tử vong do đột quỵ sẽ tăng mạnh trong các thập kỷ tới, theo xu hướng đã xảy ra 30 năm qua - Ảnh minh họa từ Internet

Nếu xu hướng này tiếp tục, Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ không thể được đáp ứng, vì nó bao gồm mụ tiêu giảm 1/3 số ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm vào năm 2030.

Con số đáng sợ được dự báo cho năm 2050 cũng dựa theo xu hướng đó, tương ứng với số người chết do đột quỵ hàng năm sẽ lên tới 9,7 triệu người.

Điều đáng nói, 86% các ca tử vong do đột quỵ xảy ra ở nhóm quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) trong năm 2020. Tỉ lệ này sẽ lên tới 91% ở nhóm nước LMIC vào năm 2050.

Xét theo khu vực, GS Jeyaraj Pandian, Chủ tịch vừa đắc cử của Tổ chức Đột quỵ thế giới, cho biết châu Á luôn chiếm tỉ lệ lớn nhất trên bản đồ tử vong do đột quỵ và dự kiến đến năm 2050 69% ca tử vong do đột quỵ sẽ đến từ châu Á.

Xét theo khu vực nhỏ hơn, ba khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương bị lưu ý đặc biệt. Trong năm 2020 ba vùng này đã có tới 3,1 triệu ca đột quỵ và sẽ tăng lên 4,9 triệu ca vào năm 2050, tức chiếm một nửa số ca của cả thế giới.

Ngoài nguyên nhân bất khả kháng là dân số đang bị già hóa khắp thế giới, nguyên nhân lớn nhất gây tử vong do đột quỵ ở mọi đối tượng là sự phổ biến của bệnh cao huyết áp và việc thiếu các dịch vụ phòng ngừa - chăm sóc đột quỵ ở khu vực đó.

Điều này phù hợp với nhiều cảnh báo trước đó từ các nước châu Á, nơi bệnh cao huyết áp phổ biến vì thói quen ăn mặn,

Ngoài ra, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng gia tăng, do hai lý do khác là bệnh béo phì và tiểu đường, vốn ngày một phổ biến và bị trẻ hóa.

Dự báo đến năm 2050, đột quỵ sẽ gây ra mức thiệt hại lên đến 2,31 ngàn tỉ USD cho nền kinh tế thế giới. Phần lớn tác động kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến châu Á và châu Phi.