Đột quỵ não ở người trẻ: Dấu hiệu cảnh báo sớm và cách xử lý
Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa cấp cứu, can thiệp lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ để cứu sống một nữ bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ não nhập viện muộn.
Cứu sống bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ não
Trước đó, ngày 2-7, bệnh nhân nữ 27 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, đang làm việc bình thường thì đột ngột liệt nửa người phải. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng ý thức ngủ gà, khó tiếp xúc, không nói được và liệt hoàn toàn nửa người phải.
Theo lời người nhà đi cùng, bệnh nhân bị méo miệng, tay chân bên phải yếu nên đưa bệnh nhân vào một cơ sở y tế tư nhân, bệnh càng ngày càng trầm trọng nên xin chuyển viện vào Bệnh viện Đa khoa Quảng nam.
Tại đây, bệnh nhân được khám, chụp MRI sọ não, hội chẩn và chẩn đoán bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa bên trái.
Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học do đã qua thời gian vàng để dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Sau 30 phút can thiệp, ekip các bác sĩ can thiệp đột quỵ của bệnh viện đã tái thông hoàn toàn động mạch não giữa bị tắc. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân dần dần hồi phục, tỉnh táo hơn, cải thiện vận động nửa người phải.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, nói chuyện bình thường, liệt hồi phục gần như hoàn toàn và đang được tiếp tục theo dõi, tập phục hồi chức năng.
Chiều ngày 8-7, bệnh nhân ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của bệnh nhân, gia đình và các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vì đây là trường hợp bệnh nhân rất trẻ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể để lại hậu quả rất lớn, một gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là vấn đề sức khỏe hết sức đáng quan ngại của y tế toàn cầu. Đây là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong rất cao.
Đột quỵ não trước đây thường xảy ra ở người có độ tuổi trên 65 tuổi, đột quỵ não ở người trẻ là trường hợp xảy ra ở nhóm người bệnh dưới 45 tuổi.
Đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 15% các ca đột quỵ nói chung. Tuy nhiên, gần đây con số này đang ngày một tăng lên.
Theo thống kê từ WSO (Hội đột quỵ thế giới) mỗi năm có hơn 16% người bị đột quỵ nằm trong độ tuổi từ 15- 49 tuổi (trong tổng 12,2 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm ), số người tử vong do đột quỵ khoảng 6,5 triệu trường hợp và người trẻ chiếm khoảng 6% trong số này.
Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh bị đột quỵ ở người trẻ tuổi và trung niên chiếm khoảng gần 40%.
Một vấn đề nguy hiểm là nhiều người trẻ hiện còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức về căn bệnh này, chưa nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ để kịp thời cấp cứu mà vẫn nghĩ bị trúng gió hay cảm lạnh gì đó nên chỉ sơ cứu và tự mua thuốc uống.
Do đó khi đến được cơ sở y tế chuyên khám và điều trị đột quỵ thì đã quá giờ vàng (dưới 3 giờ). Khi đó tế bào não đã chết, không thể phục hồi, bệnh nhân hoặc là tử vong hoặc phải mang di chứng suốt quãng đời còn lại.
Dấu hiệu và nguyên nhân của đột quỵ
Một người bình thường, chưa phát hiện các bệnh lý nền trước đó, sẽ đột ngột xuất hiện các triệu chứng như méo miệng, yếu tay và chân một bên, nói khó, khó phát âm, khó diễn đạt lời nói, rối loạn ý thức hoặc giảm ý thức, đột ngột đau đầu dữ dội, rối loạn thăng bằng, đột ngột nhìn mờ hoặc mất thị trường một vùng.
Khi phát hiện các triệu chứng trên, người nhà hãy đưa người bệnh đến ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ trong những giờ sớm nhất, không để bệnh nhân chờ đợi ở nhà sẽ qua mất giờ vàng để cứu chữa.
Hiện nay, khoa Nội Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và xử trí đột quỵ như áp dụng các kỹ thuật can thiệp mạch dưới hướng dẫn máy chụp DSA vào thường quy để điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não.
Rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não đã được cứu sống và hồi phục chức năng nhờ can thiệp bằng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não. Kỹ thuật này được chỉ định cho các bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu não tới sớm (tốt nhất trong 6 giờ đầu của bệnh). Vì vậy, nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu đột quỵ hãy đưa tới bệnh viện sớm nhất có thể.
Các nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ hay còn gọi là các yếu tố nguy cơ có thể kể đến như béo phì, thừa cân, lười vận động, thường xuyên ăn các loại thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa lipid máu gây xơ vữa động mạch.
Tăng huyết áp ở người trẻ chưa được quan tâm đúng mức do chủ quan cũng là một nguyên nhân của đột quỵ. Ngoài ra, bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác như thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, thuốc tránh thai…
Cách phòng ngừa đột quỵ não
Để phòng ngừa đột quỵ não, người trẻ cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, chế độ ăn nên hạn chế chất béo, chất ngọt, có chế độ rèn luyện đúng cách và thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý (BMI dưới 25); Hạn chế các chất kích thích như thức uống có cồn, thuốc tránh thai, không dùng các chế phẩm có tính gây nghiện...
Ngoài ra, người trẻ cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ mắc phải như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như dị dạng mạch máu não, các rối loạn chuyển hóa khác…
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...