Mới đây, trên trang page chính thức của Bệnh viện Hữu Nghị đã đăng tải bài viết về trường hợp bệnh nhân thủng trực tràng vì nuốt vỏ thuốc nhựa sắc cạnh.

Cụ thể, cụ H. (71 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được đưa vào BV Hữu Nghị trong tình trạng đau bụng đi ngoài phân đen và có máu tươi. Sau khi khám và nội soi, các bác sĩ chẩn đoán ông cụ bị vết thương ống hậu môn trực tràng bởi vật sắc nhọn gây ra nên tiến hành mổ cấp cứu.

Theo Sức khỏe và Đời sống, BS. Hoàng Việt Dũng – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Hữu Nghị cho biết, trên phim chụp X-quang và CT ổ bụng cho thấy có hình ảnh dị vật cản quang xuyên vào ống hậu môn trực tràng nhưng thật may mắn là chưa có các tổn thương như tràn dịch hoặc viêm.

Bệnh nhân được đưa vào BV Hữu Nghị trong tình trạng đau bụng đi ngoài phân đen và có máu tươi

Qua khai thác tiền sử, lúc này bệnh nhân mới sực nhớ, cách thời điểm khám bệnh gần 2 ngày, bệnh nhân có mua thuốc về uống. Sau khi uống, ông cảm thấy hơi vướng vướng, nghẹn nhẹ nhưng không đến nỗi quá khó chịu, ông có đi phân đen và ra máu. Những ngày sau ông vẫn thấy bình thường, chỉ hơi khó chịu bụng, đi ngoài ra máu.

Bệnh nhân H. hoàn toàn không mảy may nghi ngờ rằng việc đau bụng và đi ngoài ra máu chính là do viên thuốc còn nguyên vỏ đã mắc kẹt. Đối với trường hợp này, các bác sĩ đã tiến hành gắp viên thuốc trong ống hậu môn trực tràng, sử dụng một bao chụp chuyên dụng có khả năng co giãn để bao trọn dị vật, tránh việc các cạnh sắc của viên thuốc làm tổn thương ống hậu môn trực tràng và đưa dị vật ra ngoài cơ thể một cách nhẹ nhàng và an toàn. Sau thủ thuật, người bệnh tiếp tục được thực hiện theo dõi tại bệnh viện.

Theo BS. Dũng, dị vật kẹt trong ống hậu môn trực tràng là một tình trạng cấp cứu và cần được xử trí kịp thời, đúng cách do các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đảm nhận. Dị vật cắm vào ống hậu môn trực tràng như trường hợp của ông H. đã xuyên thủng thành trực tràng tạo những ổ nhiễm trùng.

"Phẫu thuật để lấy dị vật và vá ống hậu môn trực tràng là một kỹ thuật khó vì vùng trực tràng hẹp, vết rách dễ viêm dính, dễ nhiễm trùng, khó lành và nguy cơ di chứng cao. Trường hợp ông H. rất may mắn vì khi phát hiện ống hậu môn trực tràng chưa hình thành các ổ áp-xe và viên thuốc còn nguyên vỏ đã được gắp ra an toàn" - chuyên gia Ngoại tổng hợp nói.

Vỏ thuốc được lấy ra

Theo VOV, BS Hoàng Việt Dũng cũng tiết lộ, bệnh viện cũng đã tiếp nhận, điều trị cho rất nhiều nạn nhân hóc, nuốt nhầm dị vật như các loại xương cá, tăm xỉa răng, viên thuốc còn nguyên vỏ… Trong đó có nhiều trường hợp dị vật gây các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng thực quản, thủng ruột non, thủng đại tràng gây mất máu, viêm phúc mạc tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo người dân luôn phải cẩn trọng trong khi ăn, uống, sinh hoạt để hạn chế tối đa nguy cơ nuốt phải dị vật. Khi uống thuốc, cần kiểm tra kỹ để tránh nuốt nhầm thuốc chưa bóc vỏ, nhất là các loại có vỉ sắc nhọn

Ảnh: Facebook Bệnh viện Hữu Nghị