Kích thước dị vật là 4x1 cm, đang nằm trong dạ dày. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Liên, khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (60 tuổi, quê Bắc Ninh) vì nuốt phải răng giả.

Bệnh nhân cho biết buổi sáng, trong khi đang đeo răng giả, cháu nhỏ của người phụ nữ này bị trượt ngã nên vội với tay ra đỡ, vô tình răng chưa kịp lắp khớp nên bị tuột, nuốt vào trong.

Sau 2 giờ đến cơ sở y tế trên, bệnh nhân được ê-kíp kỹ thuật khoa Nội soi tiêu hóa (A3D) tiến hành nội soi hút sạch sữa trong dạ dày, phát hiện thấy dị vật là 4 chiếc răng giả. Kích thước dị vật là 4x1 cm, đang nằm trong dạ dày. Dị vật đã được lấy ra an toàn và bệnh nhân có thể xuất viện ngay.

Theo bác sĩ Liên, hàng năm, khoa Nội soi tiêu hóa tiếp nhận 70-80 ca dị vật tiêu hóa bao gồm các ca dị vật là dụng cụ sinh hoạt như răng giả, vỏ thuốc, tai nghe Bluetooth, tăm, nút chai cho tới bã thức ăn như măng, hồng xiêm, hỗn hợp vón cục của nghệ, mật ong, tam thất.

Đối với dị vật là răng giả, mặc dù kỹ thuật làm hàm giả tháo lắp hiện có nhiều phát triển, hạn chế được những rủi ro về chất liệu cho người sử dụng. Tuy nhiên, người đeo hàm răng giả cần chú ý để tránh những tai nạn răng rơi vào đường thở hoặc đường tiêu hóa:

- Hạn chế ăn nhai các loại thực phẩm dẻo, độ bám dính cao.

- Mỗi khi lắp, bạn cần tập trung làm theo đúng hướng dẫn, tránh vừa lắp răng vừa làm việc khác.

- Khi vệ sinh răng miệng hoặc trước khi ngủ, bạn cần tháo ra khỏi miệng.

- Sau một thời gian, nếu nền hàm bị nong rộng, tiêu xương hàm làm nướu teo lại gây lệch lạc trong khi ăn nhai, người dân cần đến cơ sở nha khoa để làm hàm tháo lắp mới.

- Nếu lỡ nuốt phải răng giả, người dân cần đến bệnh viện nội soi lấy dị vật càng sớm càng tốt khi chưa quá 6 tiếng. Nếu quá thời gian này, nhiều khả năng răng giả đã đi xuống ruột, lúc đó cần chụp chiếu để xác định vị trí của dị vật và phẫu thuật xử lý, tránh để tắc ruột.