Nửa đêm bị dựng dậy kiểm tra hành chính, có sai luật?
Trên đây là câu chuyện đầy bức xúc của anh P.Đ.D. (30 tuổi) - một người dân hiện đang tạm trú tại đường số 8, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM.
Vào lúc 0h45 ngày 2-2-2018, khi hai vợ chồng tôi đang ngủ thì nghe tiếng đập cửa rất lớn từ phía ngoài. Vì vợ tôi đang bị cảm, sốt cao nên tôi không mở cửa để cô ấy nghỉ ngơi. Nhưng tiếng gõ cửa càng mạnh hơn.
Giữa đêm khuya, hai vợ chồng trẻ ở trong khu căn hộ cho thuê có người bảo vệ bên ngoài mà bị đập cửa ầm ầm khiến chúng tôi giật mình, hồi hộp, lo lắng và rất khó chịu với sự làm phiền này.
Tôi mở cửa hỏi ai thì một người mặc sắc phục công an, không đeo bảng tên và một dân phòng cũng không rõ tên đang đứng trước cửa nhà. Hai người này đi cùng một nam thanh niên là bảo vệ tòa nhà, họ thông báo kiểm tra hành chính đột xuất.
Người mặc sắc phục công an yêu cầu kiểm tra hành chính đột xuất và yêu cầu tôi cung cấp chứng minh nhân dân (CMND) của hai vợ chồng. Người này yêu cầu tôi gọi vợ dậy ra "trình diện". Lúc này vợ tôi đang sốt cao nằm ở trong phòng ngủ nên tôi không chịu.
Tuy nhiên anh này cứ nhất quyết phải gọi vợ tôi dậy, để vợ sớm được nghỉ ngơi nên tôi buộc lòng gọi vợ dậy. Sau khi nhìn mặt và tra hỏi tên tuổi, năm sinh, nơi sinh của tôi và vợ giữa đêm khuya thì anh này cầm hai giấy CMND của chúng tôi rồi bỏ đi mà không thông báo hay trao đổi gì thêm.
Tôi quan sát thì thấy người mặc sắc phục công an này cùng người dân phòng tiếp tục gõ cửa các căn hộ khác trong tòa nhà. Khu căn hộ tôi đang ở có năm lầu, mỗi lầu có từ hai tới ba căn hộ, có thang máy đi lên từng lầu.
Chủ căn hộ đều làm hết các thủ tục đăng ký tạm trú cho từng khách thuê. Đây là khu căn hộ khá văn minh vì hầu hết là gia đình trẻ có con nhỏ và dân văn phòng ở.
Chúng tôi bức xúc vì bị kiểm tra lúc nửa đêm về sáng khi đang ngủ, dù đã cư ngụ ở đây từ ngày 4-7-2017.
Vì sao việc kiểm tra không thực hiện vào thời điểm thích hợp hơn, cán bộ công an cũng không có bảng tên, thẻ ngành để người dân chúng tôi yên tâm khi tiếp xúc. Đặc biệt là thái độ, tác phong làm việc của cán bộ khiến chúng tôi thêm bức xúc.
Chúng tôi thực hiện đủ các nghĩa vụ của mình, đăng ký tạm trú đầy đủ, nửa đêm bị dựng dậy làm phiền mà không được đối xử nhẹ nhàng, lịch sự, và họ nên xin lỗi vì làm phiền chúng tôi giữa đêm như vậy sau khi kiểm tra.
Vậy nhưng vị cán bộ này nói như thách thức, rồi lấy CMND của chúng tôi đi mà không trả lại, thông báo sẽ chuyển cho chủ nhà trọ nhưng tới nay chúng tôi chưa nhận được.
Kiểm tra đột xuất đúng kế hoạch
Đó là khẳng định của thiếu tá Hoàng Văn Hòa - phó trưởng Công an phường Tân Quy, Q.7. Ông Hòa cho biết: "Kế hoạch kiểm tra đột xuất các khu nhà trọ đã được ban chỉ huy công an quận duyệt từ trước đó chứ không phải cán bộ hay phường tự ý triển khai thực hiện.
Ngày 1-2, chúng tôi chia ra hai tổ đi kiểm tra theo kế hoạch đã được duyệt trước đó, bắt đầu thực hiện từ 23h. Tổ kiểm tra nhà trọ mà anh D. phản ảnh do thiếu úy Khôi phối hợp cùng bảo vệ dân phố, ban chỉ huy quân sự phường, tổ văn hóa thông tin phường thực hiện.
Do đã kiểm tra các phòng trọ khác từ trước nên đến 0h40 mới kiểm tra tới phòng trọ của anh D.. Buổi kiểm tra đó chúng tôi kiểm tra toàn bộ 11 phòng trọ ở khu đó chứ không riêng phòng anh D..
Toàn bộ người thuê trọ tại khu vực này có đăng ký tạm trú đầy đủ, không có vi phạm gì. Theo quy định, chúng tôi vẫn lập biên bản kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành quy định pháp luật".
Thiếu úy Khôi - người trực tiếp kiểm tra - cho rằng việc kiểm tra cần thu giữ CMND để đối chiếu với hồ sơ đăng ký coi có trùng khớp hay không, có thông báo sẽ bàn giao lại cho chủ nhà trọ chứ không lấy CMND của người dân. Toàn bộ 11 phòng trọ đều thực hiện như vậy, không phân biệt.
Liên quan tới việc không có bảng tên, không có thẻ ngành và tác phong làm việc, thiếu tá Hòa nói: "Thiếu úy Khôi mới từ trường về nhận nhiệm vụ được 4 tháng nên chưa có bảng tên, chưa có thẻ ngành. Theo quy định thì khi được giao nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành. Do đó, dù chưa có bảng tên, thẻ ngành thì thiếu úy Khôi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ được giao".
Theo thiếu tá Hòa, việc nửa đêm bị gọi cửa kiểm tra sẽ khiến hầu hết người dân khó chịu, bản thân cán bộ, chiến sĩ cũng thấy làm phiền người dân vào giờ này. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ được giao, cũng là nghiệp vụ của ngành công an nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm ẩn náu, chờ thời cơ phạm tội, hoặc tội phạm bị truy nã.
"Về phía cán bộ chiến sĩ, chúng tôi cũng sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh về tác phong, thái độ, ngôn phong khi tiếp xúc với dân, không để người dân bức xúc. Với người dân, chúng tôi cũng mong được sự chia sẻ, hợp tác, mỗi người nỗ lực hơn một chút cho sự bình yên của xã hội"- ông Hòa cho biết.
Vi phạm điều lệnh, sẽ xem xét thực tế
Đại tá Nguyễn Minh Hùng, trưởng Công an Q.7, cho biết: "Cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ mà không đeo bảng tên là vi phạm điều lệnh của ngành công an. Tuy nhiên, thực tế có một số trường hợp do mới từ trường đào tạo về công tác, chuyển đơn vị thì có thể chưa có bảng tên, bị thu hồi bảng tên chờ cấp bảng tên mới nên có thể thiếu. Theo quy định thì vi phạm này sẽ bị kỷ luật ở mức phê bình, rút kinh nghiệm hoặc chậm nâng lương. Tôi đã yêu cầu báo cáo chi tiết vụ việc này và sẽ có hình thức xử lý phù hợp".
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...