Theo báo Vietnamnet, tại cơ quan công an, nữ tài xế xe Mercedes Vũ Thị Hồng Thái (SN 1972, ở Hoàng Đạo Thuý, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khai khi đến ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ thì thấy có một số phương tiện phía trước xe nên định đạp chân phanh.

Nhưng do bà đi giày cao gót, lại mất bình tĩnh nên đã đạp nhầm chân ga làm ô tô Mercedes tăng tốc, phi thẳng vào dòng phương tiện phía trước và cuốn 3 xe máy, 1 xe đạp vào gầm, gây ra vụ tai nạn thảm khốc. 

Nữ tài xế vừa chạy vừa khóc sau khi gây tai nạn. Ảnh cắt từ clip.

Tai nạn liên hoàn khiến một cô gái chưa rõ danh tính tử vong tại chỗ. Ba nạn nhân bị thương gồm anh Trần Văn Thới (28 tuổi, quê Nam Định), chị Phạm Thị Hồng Nhung (18 tuổi, ở Cao Bằng) và anh Phạm Văn Út (28 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Vụ va chạm làm ôtô Mercedes và 3 xe máy cháy rụi. Được biết chiếc Mercedes GLC 250 mới được mua ít ngày. Dữ liệu đăng kiểm xác định bà Thái là chủ phương tiện.

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ ông cảm thấy lo lắng, thậm chí cảm thấy sợ ra đường khi thời gian gần đây trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông từ những chiếc "xe điên" để lại những hậu quả hết sức nặng nề. 

"Nguyên nhân dẫn tới các tai nạn giao thông đa phần vẫn là do ý thức chấp hành luật giao thông còn kém, coi thường tính mạng bản thân và người khác.

Nhiều vụ “xe điên” gây tai nạn kinh hoàng tước đi sinh mạng nhiều người khi tham gia giao thông đã gây rất bức xúc trong dư luận xã hội.

Vụ Mercedes GLC 250 gây tai nạn liên hoàn ngày hôm qua là một trường hợp điển hình. Để có căn cứ xử lý vụ việc cần đợi kết quả điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, lỗi của người lái xe, kết quả giám định thiệt hại về tài sản, sức khỏe của những người bị chấn thương", Luật sư Thơm nhận định.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc. Ảnh cắt từ clip.

Xét dưới góc độ pháp luật, nữ tài xế xe Mercedes đã không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ, vi phạm điểm c, khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ.

Về vấn đề người phụ nữ điều khiển ô tô khai đi giày cao gót, mất bình tĩnh, không làm chủ tốc độ thuộc về ý thức chấp hành chấp hành luật giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện được quy định tại khoản 5, Điều 4 Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ.

Cụ thể người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, nếu có căn cứ xác định người điều khiển xe ô tô có giấy phép lái xe nhưng không chấp hành tín hiệu đèn giao thông đâm vào những phương tiện phía trước đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 260 BLHS 2015.

"Với hậu quả làm 01 người chết, trong trường hợp 03 người bị thương không đáng kể hoặc không yêu cầu giám định tỷ lệ thương tật thì nhiều khả năng người điều khiển xe ô tô sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 260 BLHS với khung hình phạt cao nhất đến 05 năm tù", Luật sư Thơm nói.