Nữ bác sĩ bầu 8 tháng xung phong vào khu cách ly COVID-19: Tôi và con cùng chống dịch
Cống hiến nốt những ngày trước sinh vì người bệnh
Những ngày vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai là tâm điểm chú ý của cả nước khi toàn bộ bệnh viện này bị cách ly vì có đến 32 ca dương tính với COVID-19. GS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ hiện bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn từ sinh hoạt, dinh dưỡng, đến thiếu nhân lực y tế. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm chiến thắng bệnh dịch, vì người bệnh… các cán bộ, bác sĩ tại bệnh viện rất quyết tâm, không quản ngại khó khăn, sẵn sàng đi vào vùng dịch để cứu người.
Điển hình là trường hợp của nữ bác sĩ trẻ ở Viện Tim mạch, dù đang mang thai tháng thứ 8 nhưng vẫn xung phong vào khu cách ly để điều trị cho những bệnh nhân nặng. “Đó là một trong những điển hình của cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai, sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch”, GS Tuấn nói.
BV Bạch Mai cách ly toàn bộ khi xuất hiện nhiều bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Nữ bác sĩ mang thai tháng thứ 8 đó là chị Nguyễn Thị Thu Hương, hiện đang công tác tại phòng C4, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Hương khá bất ngờ khi câu chuyện của mình được mọi người quan tâm. Bác sĩ Hương cho biết việc chị xung phong vào khu cách ly để chữa bệnh cứu người không có gì to tát, đó là trách nhiệm của một người bác sĩ phải làm.
Bác sĩ Hương chia sẻ, thật ra không phải khi toàn bệnh viện Bạch Mai bị cách ly chị mới xung phong ở lại chữa bệnh cứu người. Ngày 19/3, khi một nữ điều dưỡng của bệnh (BN 86) dương tính, trước đó có nằm tại Viện Tim mạch vì thế cả viện bị phong tỏa để phòng dịch. "Khi bị phong tỏa, các bác sĩ và nhân viên của viện cũng sẽ bị cách ly tại chỗ, khi đó tôi đang mang bầu 8 tháng nhưng cũng bị cách ly như những đồng nghiệp khác. Trong thời gian cách ly tôi nghĩ mình vẫn có thể làm việc được nên quyết định xung phong cùng đồng nghiệp tiếp tục chữa bệnh, cứu người", bác sĩ Hương chia sẻ.
Bác sĩ Hương cùng đồng nghiệp lạc quan dù đang ở trong vùng tâm dịch.
Khi đó tôi chỉ suy nghĩ rằng, mình sắp sinh rồi nên cố gắng cống hiến nốt khoảng thời gian trước sinh để phục vụ người bệnh, để san sẻ khó khăn, vất vả với các đồng nghiệp. Hơn nữa, khi có dịch tất cả mọi người dân đều cần chung tay, góp sức để đẩy lùi bệnh dịch. Trong khi tôi là bác sĩ nên cần phải xung phong đi trước để cứu người. Mọi người vẫn nói đùa về quyết định của tôi rằng: hai mẹ con Hương đang cùng chống dịch”, bác sĩ Hương nói.
Vượt qua khó khăn, sự kỳ thị để giành lại sự sống cho người bệnh
Kể từ ngày xung phong vào khu cách ly làm việc tới nay đã 11 ngày, đó cũng là thời gian bác sĩ Hương phải sống xa gia đình. “Gia đình tôi ủng hộ quyết định của tôi, hàng ngày vẫn hỏi thăm, động viên tôi qua điện thoại. Còn ở trong viện, tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cách ly, phòng chống dịch”, bác sĩ Hương kể.
Khi chưa có quyết định cách ly toàn bệnh viện, gia đình vẫn cung cấp những đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm từ bên ngoài vào. Còn từ khi bị cách ly, toàn bộ bệnh viện, bác sĩ Hương phải ăn uống, sinh hoạt theo chế độ của bệnh viện cung cấp.
Suất ăn hàng ngày của bác sĩ Hương, khi được nghỉ ngơi nữ bác sĩ này lại đọc sách hướng dẫn cách chăm con ngay tại khu cách ly.
“Ở trong khu cách ly, lại đang mang bầu tháng thứ 8 thì chắc chắn sẽ gặp những khó khăn. Đôi lúc cũng có mệt mỏi, rồi em bé trong bụng chắc chắn sẽ không được chăm sóc đầy đủ như ở nhà. Nhờ sự quan tâm, động viên của lãnh đạo bệnh viện và các đồng nghiệp hiện hai mẹ con sức khỏe vẫn ổn.
Dù khó khăn nhưng tôi cũng như những đồng nghiệp khác phải cố gắng khắc phục, vì đằng sau chúng tôi là những bệnh nhân nặng đang chờ được cứu sống”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng bác sĩ Hương luôn phải tìm cách khắc phục vì người bệnh.
Hiện tại, chị Hương được theo dõi thai sản ngay tại Viện Tim mạch và dự định sẽ sinh ngay tại bệnh viện, trong khoảng thời gian cách ly. “Chỉ còn vài tuần nữa là sinh con, tôi dự định sẽ đặt tên con có gì đó liên quan đến vụ dịch này. Do là bé gái nên tôi chắc sẽ đặt tên con là: Hạ Vy”, bác sỹ Hương nói về dự định của mình.
Điều khiến bác sĩ Hương buồn phiền nhất lúc này không phải sự vất vả, hay khó khăn, thiếu thốn… mà là sự kỳ thị của nhiều người khi nhắc đến hai chữ Bạch Mai. “Hiện nhiều người kỳ thị bệnh viện Bạch mai, kỳ thị người bệnh trong bệnh viện và cả bác sĩ làm việc tại đây. Tôi rất buồn và chỉ mong mọi người không kỳ thị nữa.
Tôi mong muốn mọi người hãy cùng chung tay, giúp sức ít nhất là ủng hộ tinh thần. Đã vào khu cách ly là sẽ có thiệt thòi, nhất là bản thân tôi khi sắp đến ngày sinh đẻ, vì thế khi nghe thấy mọi người kỳ thị bác sĩ và người thân của bác sĩ tôi cảm thấy rất chạnh lòng”, bác sĩ Hương tâm sự.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không có nhu cầu về “chuyện ấy”. Điều này khiến nhiều chị em nghi ngờ chồng ngoại tình, có người thứ 3.
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi 40, hiện tượng giảm chiều cao sẽ ngày càng rõ rệt.
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.