Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra một khu phong tỏa ở quận 12, TP.HCM hôm 8-7 - Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo đó, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16 đến ngày 1-8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong.

Trong ngày 22-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ký chỉ thị khẩn tăng cường một số biện pháp thực hiện chỉ thị số 16.

Theo đó, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, TP.HCM nỗ lực quyết tâm thực hiện các biện pháp nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp.

Để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện chỉ thị 16 tại TP.HCM.

Theo đó yêu cầu thu hẹp các nhóm đối tượng được hoạt động trong thời gian thực hiện chỉ thị 16. Cụ thể là tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải giảm quy mô còn khoảng 30%; tiểu thương bán luân phiên theo ngày chẵn - lẻ; chỉ bán lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; có màng ngăn giữa người mua và bán...

Chốt, trạm kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố chỉ giải quyết cho xe công vụ, xe vận tải hàng hóa có mã (QR code) nhận diện, xe của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng chống dịch và các mục đích công vụ và xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch...

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 18h ngày 22-7 đến 6h ngày 23-7, TP ghi nhận thêm 3.302 trường hợp nhiễm mới (đã được Bộ Y tế công bố sáng 23-7). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã ghi nhận hơn 48.800 trường hợp mắc COVID-19.

Để ứng phó với số ca F0 liên tục tăng cao, Sở Y tế TP.HCM mới đây đã quyết định nâng cấp hệ thống điều trị COVID-19 lên 5 tầng so với 4 tầng trước đây, với điểm mới là tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận huyện.