Sống sót kỳ diệu sau 9 tiếng bị bỏ quên trên ô tô

Vào khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 13/9, xe đưa đón trẻ của cơ sở Đồ rê mí (Tiên Du, Bắc Ninh) do lái xe Nguyễn Công Tỵ (là chồng của chủ cơ sở) sinh năm 1976 điều khiển xe đón 9 trẻ tại các gia đình.

Khoảng 8 giờ sáng xe đưa trẻ đến cơ sở mầm non này. Do sơ xuất lái xe đã để quên cháu Nguyên Tấn Lợi 3 tuổi trên xe đưa đón, cho đến khoảng 15 giờ cùng ngày mới phát hiện cháu trên xe.

Cơ sở mầm non Đồ rê mí đã bị dừng hoạt động. 

Bé Lợi được đưa vào cơ sở y tế để cấp cứu. Khi gặp con ở bệnh việnTừ Sơn, người bố cho biết bé đã hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng. Sau khi được sơ cứu, bé tiếp tục được chuyển lên tuyến trên.

Trả lời báo chí ngày 16/9, PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đây là trường hợp đầu tiên bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học được cấp cứu tại bệnh viện và được cứu sống.

PGS.TS Trần Minh Điển thông tin về sức khỏe bé trai bị bỏ quên trên xe ô tô. Ảnh: Thu Hà

Sự sống sót kỳ diệu của bé trai sau khoảng 9 tiếng bị bỏ quên đã khiến người lớn thở phào nhẹ nhõm. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, sự sống của bệnh nhi sốc nhiệt phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó có điều kiện môi trường nhiệt độ bên ngoài và tiếp cận cấp cấp cứu chính xác, kịp thời. 

Thực hư bệnh Whitmore ăn mòn cơ thể

Thời gian gần đây, dư luận vô cùng hoang mang về “vi khuẩn ăn thịt người” và “vi khuẩn ăn cánh mũi”. 

Sau hơn 3 tuần điều trị tích cực với sự phối hợp hiệu quả của nhiều chuyên khoa trong bệnh viện Bạch Mai, nữ bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore gây tổn thương áp -xe mũi đã ổn định và được xuất viện vào ngày 19/9/2019. 

Nữ bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn cánh mũi" đã xuất viện sau 3 tuần điều trị. Ảnh: BVCC

Trước câu hỏi “Whitmore có phải là vi khuẩn ăn thịt người?” như một số báo đã đưa tin khiến dư luận hoang mang trong thời gian gần đây, PGS.TS Đỗ Duy Cường khẳng định: “Whitmore không phải là vi khuẩn “ăn thịt người” mà là bệnh đã được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây. Bệnh cũng không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người.

Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang”. 

Phát khóc khi nhìn suất ăn của con ở trường quốc tế

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, một phụ huynh có con đang theo học tại Trường Quốc tế Việt Úc cơ sở Sala, quận 2, TP.HCM đã bức xúc chia sẻ về khẩu phần cơm trưa “nhìn là muốn khóc” của các con.

Theo hình ảnh, phần cơm của các bé bao gồm 4 món nhưng chỉ có vẻn vẹn: 3 miếng gà kho nhỏ, 2 miếng cá tẩm bột chiên, ít su su xào cà rốt, canh bắp cải kèm theo 1 miếng dưa hấu để tráng miệng.

Chị N bức xúc: “Ăn bớt phần ăn của trẻ là tội ác. Chúng tôi đã khóc khi nhìn thấy những phần ăn này của các con. Chúng tôi không chấp nhận 1 trường quốc tế hơn 20 năm kinh nghiệm ở Việt Nam làm ăn như thế này. Ban giám hiệu tại sao không dám gặp chúng tôi? Giải thích về bữa ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu trách nhiệm và vô tâm như vậy với con chúng tôi". 

Trước bức xúc của phụ huynh, trao đổi với Dân Trí, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết sở đã nắm được thông tin và chỉ đạo Phòng chính trị tư tưởng nắm tình hình. Qua đó tổ chức rà soát, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh, không phân biệt hệ thống trường công lập hay ngoài công lập.

Dân đổ xô mua bánh trung thu đại hạ giá 

Trái với cảnh "đìu hiu chợ chiều" của bánh trung thu trước rằm tháng tám thì sau rằm, đây lại trở thành mặt hàng "hot". Sở dĩ bánh trung thu được người tiêu dùng đổ xô đi mua sau rằm vì đang...đại hạ giá

Bánh trung thu đại hạ giá đắt hàng. Ảnh: Thu Hà

Trước rằm, bánh trung thu của hãng có giá cao ngất ngưởng từ 40.000 đồng trở lên thì sau rằm, giá bánh "giảm sập sàn".

Người bán bánh trung thu đại hạ giá trước cửa siêu thị tại đường Trần Phú, Q. Hà Đông, Hà Nội cho biết bánh đồng giá 25.000 đồng/ chiếc 150 - 180g, cả bánh có trứng và không trứng. "Dự kiến bán bánh trung thu phải chục ngày nữa mới hết", một người bán hàng nói.