Gặp chị Hồng (42 tuổi) tại tư vấn Tuổi Trẻ Hạnh Phúc. Chị dáng người dong dỏng cao, nhưng gương mặt khắc khổ. Đôi bàn tay chị chai sạn vì bao năm qua chỉ một mình chị gồng gánh nuôi đứa con gái bị thiểu năng.

Chị tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý để muốn nói ra nỗi lòng vì ở cái thôn quê bé nhỏ chị chẳng thêm tâm sự được với ai, chị sợ miệng lưỡi thiên hạ.

Chị kể, ngày ấy chị yêu một người đàn ông trong thôn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn nên đã gặp phải sự phản đối kịch liệt. Không vượt qua được ngưỡng cửa gia đình người đàn ông ấy đã bỏ chị. Sau đó chị mới phát hiện mình có thai, chị có nói như thế nào người đàn ông kia cũng không nhận. Chị ôm tủi nhục và chấp nhận nuôi con.

Đau đớn vì không thể bảo vệ được con - Ảnh minh họa: Internet

Ngày ấy, chị bị nhiếc mắng là “chửa hoang”, gia đình hắt hủi nên chị quyết đến một nơi khác, xin làm công nhân và quyết tâm nuôi con một mình. Nhưng, ông trời thật bất công, con gái chị khi sinh ra đã mắc bệnh, không giống như những đứa trẻ bình thường khác. Chị đưa con đi khắp các bệnh viện nhưng chẳng thể cứu chữa.

Chị bảo, con gái chị năm nay đã 19 tuổi nhưng nó khờ dại như một đứa trẻ. Ai nói gì nó cũng nghe, chỉ cần cho nó kẹo, bánh, hoa quả thì bảo gì nó cũng làm. Chị thì không thể trông nó suốt 24/24h được, vì thế, nhiều người đánh nó, chửi nó thậm chí sàm sỡ nó mà chị không thể ngăn.

“Nhà có hai mẹ con, tôi phải đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, con gái tôi đành phải khóa cửa để ở nhà. Hôm nào may hơn thì nhờ được và hàng xóm trông đỡ”, chị Hồng nói trong nước mắt.

Nhiều lần chị đi làm về, thấy quần áo con gái lấm lem, đầu tóc toàn rơm, nhìn là chị hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chị có sang nói chuyện với gã hàng xóm nhưng hắn một mực cho rằng chị đặt điều. Thậm chí, hắn còn chửi mắng và dọa đánh mẹ con chị. Chị chẳng làm gì hơn, chỉ đợi thời cơ, bắt được tận tay xem còn chối cãi. Nhưng, chị phải đi làm biền biệt từ sáng tới tối.

Đêm nào chị cũng khóc vì nghĩ đến những gì con gái chị đã trải qua - Ảnh minh họa: Internet

Chị bảo, một mình chị thân cô thế cô, nên có 10 cái miệng cũng không nói được hắn. Đêm nào chị cũng khóc vì thương con, chị chỉ biết ôm con vào lòng. Chị nghĩ đến những gì con gái chị đã phải trải qua mà thấy căm phẫn trong lòng. Có lần, chị mang câu chuyện tâm sự với người hàng xóm, vậy là hôm sau từ trong đến ngoài làng đồn rằng mẹ con chị điêu ngoa. Từ đó chị sợ hãi.

Chị còn sợ, sau này, khi chị già yếu ai sẽ bảo vệ con mình, rồi con chị sẽ phải sống ra sao, chị thật sự sợ khi nghĩ đến những tháng ngày đó.

Đối với trường hợp của chị Hồng, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cho hay: "Đối với những trường hợp này chúng tôi đã hướng dẫn chị Hồng để tìm ra chứng cứ để vạch tội những kẻ dâm ô con gái chị và chịu hình phạt trước pháp luật. Nếu con gái chị không đủ tỉnh táo để nói chuyện cũng như hiểu biết thì nói, thì chính người mẹ phải tự tìm hiểu ra chứng cứ và bảo vệ con gái mình".

Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy chứng cứ xác thực nhất là đưa con gái đi khám sức khỏe xem con gái chị ảnh hưởng đến đâu và ai là "thủ phạm" thực sự. Giờ khoa học kỹ thuật tiên tiến sẽ ra ngay bằng chứng. Thứ hai, cần phải theo dõi hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của con gái để "ba mặt một lời" với người mà mình tình nghi. Đừng nên giấu giếm với hàng xóm, vì hàng xóm cũng chính là nhân chứng sống. Khi có đủ chứng cứ, thì có thể tố cáo kẻ dâm ô với con gái trước pháp luật.

Về mặt tâm lý, cần phải động viên cũng như nói chuyện với con gái mình. Nếu như con gái bị thiểu năng thì nên trông coi con cẩn thận để tránh kẻ xấu lợi dụng. Người mẹ cần phải tỉnh táo để bảo vệ con gái mình. Đừng khóc, nước mắt không giải quyết được vấn đề, sự nghèo hèn không có tội. Lúc này, chính người mẹ phải mạnh mẽ vượt qua nó. Có thể, con gái bị bệnh sẽ không hiểu hết được nỗi đau. Nhưng người mẹ cần hiểu ra vấn đề, càng để lâu con gái mình càng bị ảnh hưởng.