Ngày đầu tiên tại khu cách ly, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Huyền, 21 tuổi, không hợp tác điều trị. Cô la hét, đập đầu vào tường.

Huyền sinh ra và lớn lên ở miền quê trung du miền núi, xuống Hà Nội làm nhân viên quán karaoke một thời gian. Khoảng hai tháng nay, cô gái thường xuyên lo lắng, căng thẳng do ảnh hưởng từ Covid-19 tác động đến việc làm, thu nhập.

Dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 4, Huyền xuất hiện lo lắng nhiều hơn. Nghĩ đến sự nguy hiểm của công việc mình làm có khả năng cao bị nhiễm nCoV, cô mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng lo sợ bị đưa đi cách ly. Một người bạn rủ rê dùng chất kích thích cho đỡ buồn, Huyền làm theo để giải tỏa tâm lý.

Sau một thời gian, trong đầu cô gái bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lạ. Huyền thường xuyên nghe có tiếng người nói trong đầu, lúc nào cũng cảm giác có người hại mình, đuổi theo, đánh đập, bắt cóc. Tâm lý cô ngày càng hoảng loạn, vệ sinh cá nhân kém dần. Không lâu sau, nơi làm việc bị đóng cửa, cô mất việc, tình trạng bệnh ngày một nặng lên, sau đó cô đi lang thang.

Cơ quan chức năng phát hiện, đưa Huyền vào khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị cuối tháng 4/2021 vì là đối tượng không rõ tiền sử dịch tễ liên quan đến Covid-19. Bác sĩ Phạm Thế Văn, người trực tiếp điều trị, cho biết bệnh của Huyền có nhiều nguyên nhân, một phần do lo lắng, căng thẳng, liên quan đến Covid-19 cùng với với việc dùng chất kích thích, dẫn tới khởi phát bệnh.

Huyền là một trong 22 bệnh nhân tâm thần có liên quan đến Covid-19, điều trị tại khu cách ly bệnh viện, từ đợt dịch mới hồi tháng 4 đến nay. Phòng cách ly là bốn bức tường vây quanh, cô không ngừng la hét, kích động, chửi bới. Không chịu được, Huyền dọa đập đầu vào tường, đòi về. Bác sĩ Văn đã quen với những bệnh nhân như Huyền, anh cùng các bác sĩ, điều dưỡng khác trong khoa, mặc đồ bảo hộ, thực hiện các liệu pháp tâm lý, thuốc để ổn định tình trạng người bệnh.

Hai ngày sau, tình trạng tâm thần của Huyền dần tốt hơn, cô hợp tác điều trị.

Một bệnh nhân tâm thần điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: Thúy Quỳnh

Trong số các bệnh nhân tại khu cách ly, ngoài những người như Huyền, còn có cả những bệnh nhân được chuyển đến từ khu cách ly tập trung, do ảnh hưởng của Covid-19 mà phát bệnh. Phòng bên cạnh Huyền là một nam thanh niên tên Nghĩa, 27 tuổi, lao động nước ngoài về Việt Nam.

Nghĩa có tiền sử rối loạn tâm thần từ trước. Covid-19 bùng phát, Nghĩa phải nghỉ làm ở nước ngoài. Thu nhập không đủ chi trả phí sinh hoạt đắt đỏ, anh lại không tìm được việc khác nên quyết định về Việt Nam, giữa tháng 4. Đến ngày thứ 13 khi đang cách ly tại khu cách ly tập trung ở khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội, những triệu chứng tâm thần của Nghĩa bắt đầu xuất hiện, nặng lên. Anh mất ngủ, kém vệ sinh cá nhân, hay nói lảm nhảm, đi lại như người mất hồn cả ngày lẫn đêm. Nghĩa được chuyển đến khu cách ly Covid-19, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Bác sĩ nhận định, việc thay đổi môi trường sinh hoạt, cộng với áp lực kinh tế khiến Nghĩa khởi phát bệnh tâm thần. Sau một tuần điều trị, tình trạng tâm thần của Nghĩa ổn định hơn và được trở lại khu cách ly quận Tây Hồ.

Bác sĩ Phạm Thế Văn cho biết, đối với các bệnh nhân tâm thần, suy giảm kinh tế, căng thẳng do giãn cách trong đại dịch... gây tâm lý căng thẳng đồng thời, bệnh nhân cũng khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết.

Nhóm bệnh nhân tâm căn (tâm căn là tên gọi của các nhóm bệnh bị ảnh hưởng nhiều của stress tâm lý như lo âu, trầm cảm...), tác động từ những căng thẳng do Covid-19 gây ra là rất lớn, góp phần quan trọng trong việc khởi phát, tái phát, làm nặng tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Người bệnh thường có biểu hiện lo lắng ban đầu xung quanh vấn đề Covid-19 như lo không làm ăn được, lo sức khỏe bản thân, lo bị cách ly... Sau đó triệu chứng nặng làm bệnh nhân lo nhiều hơn, lo lan man, không tập trung vào một chủ đề cụ thể, gặp chuyện gì cũng bất an.

Ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm như căng thẳng, mệt mỏi, thiếu năng lượng hoạt động, lao động, hồi hộp trống ngực, bồn chồn, bứt rứt, giật mình, sợ hãi, ngủ kém, ăn không ngon, đời sống tình dục kém hiệu quả... Đa số bệnh nhân thường tìm đến các bệnh viện đa khoa trước, sau đó được giới thiệu đến Bệnh viện Tâm thần để khám và điều trị.

Nhóm bệnh nhân rối loạn tâm thần nội sinh (điển hình là tâm thần phân liệt hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực), các stress tâm lý do đại dịch gây ra cũng góp một phần quan trọng vào việc tái phát và nặng lên của bệnh. Một số trường hợp do ảnh hưởng của cách ly y tế, lo ngại dịch bệnh mà bệnh nhân không đến khám, và dùng thuốc theo hẹn, dẫn đến tái phát bệnh tâm thần từ trước.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị nội trú cũng bị căng thẳng tâm lý do Covid-19 gây ra như việc thăm nom của người thân bị hạn chế, bệnh nhân lo lắng cho người thân ở nhà...

Đối với các bệnh nhân phải điều trị tại khu cách ly tập trung của bệnh viện do có yếu tố dịch tễ hoặc các biểu hiện của Covid-19 như ho, sốt..., các stress tâm lý gây ra do dịch bệnh càng rõ nét hơn. Ví dụ, các bệnh nhân này phải ở riêng trong các phòng khép kín, chỉ những y, bác sĩ mặc đồ bảo hộ mới được tiếp xúc, thời gian điều trị kéo dài tối thiểu 21 ngày...

Bác sĩ lấy ví dụ một bệnh nhân khác, anh Nam, 53 tuổi, cách đây 5 năm có các biểu hiện rối loạn tâm thần và được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, tình trạng bệnh của anh ổn định hoàn toàn. Gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19, các sinh hoạt của anh và gia đình bị đảo lộn rất nhiều. Anh tìm đến rượu để giải tỏa tâm lý, sau đó xuất hiện các dấu hiệu tâm thần như: nói nhiều, đi lại nhiều, cáu gắt, chửi bới, đập phá, đêm không ngủ. Khi nhập viện, bác sĩ phát hiện bị sốt trên 37,5 độ C, chưa xác định rõ nguyên nhân nên được chuyển vào điều trị tại khu cách ly của bệnh viện để theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Văn cho biết, đa số các bệnh lý tâm thần có quá trình tiến triển, từng bước, từng giai đoạn, chịu nhiều tác động từ gene di truyền, stress tâm lý, chất tác động tâm thần...Vì thế, khó có thể thống kê hay khẳng định bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần là hoàn toàn do Covid-19. Tuy nhiên trong thời gian này, đại dịch là một trong những yếu tố tác động quan trọng đến khởi phát, tái phát hoặc tiến triển của các bệnh tâm thần.

Bác sĩ Văn cũng đưa ra nhiều triệu chứng gợi ý đối với các bệnh tâm thần như: rối loạn giấc ngủ: khó vào giấc ngủ, trằn trọc, ngủ không sâu giấc, sáng dậy sớm, thức dậy không thoải mái, ngủ gật vào ban ngày...; rối loạn ăn uống: miệng khô đắng, ăn uống không ngon miệng, giảm cảm giác thèm ăn, gầy sút cân...; lo lắng quá mức: lo nhiều, lo quá mức, thậm chí lo lan man, căng thẳng gây ảnh hưởng tới sinh hoạt. Bệnh nhân nghe thấy, nhìn thấy những điều không có thật như nghe có tiếng người nói trong đầu, nhìn thấy ma quỷ. Có những suy nghĩ hoang đường, không phù hợp thực tại như cho rằng có người hại, có người theo dõi, có người điều khiển mình, cho rằng mình là vĩ nhân, có năng lực siêu nhiên...

Bác sĩ khuyên người có tiền sử hoặc đang điều trị tâm thần nên luôn chuẩn bị dự trù thuốc phù hợp trong thời gian một đến ba tháng. Bệnh nhân cũng không được tự ý giảm, ngừng hoặc bỏ thuốc điều trị các bệnh tâm thần. Nếu lịch tái khám định kỳ bị trì hoãn do dịch, người bệnh nên liên hệ với các bác sĩ để được tư vấn từ xa theo đúng hẹn.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, khu cách ly Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 43 người. Con số này năm 2020 là 87 người. Riêng đợt dịch mới hồi tháng 4, khu cách ly bệnh viện tiếp nhận 22 người.

Bác sĩ Nguyễn Thế Văn, người trực tiếp điều trị các bệnh nhân, cho biết trong số này hầu hết là bệnh nhân có vấn đề tâm thần từ trước. Tuy nhiên Covid-19 là điều kiện quan trọng liên quan đến khởi phát, tái phát và làm nặng lên tình trạng tâm thần của bệnh nhân. Không có người nào vì Covid-19 mà bắt đầu hình thành nên bệnh tâm thần, tính đến nay.

* Tên bệnh nhân được thay đổi.