Nỗi lòng người mẹ có con gái 12 tuổi đi cách ly một mình
Hít một hơi thật sâu, Vũ Hường, 38 tuổi, nữ nhân viên một siêu thị cố tập trung để hoàn thành công việc. Về nhà, chị lập tức gọi cho mẹ đẻ và hai con (9 tuổi và 12 tuổi) và choáng váng khi biết một phụ huynh của một học sinh cùng lớp con gái chị dương tính với Covid-19.
Thấy mẹ đẻ ở tuổi 70 khóc nức nở qua điện thoại, người phụ nữ phải động viên ngược: "Mẹ cần hết sức bình tĩnh. Với tình hình hiện tại, khả năng gia đình mình sẽ phải cách ly tập trung. Nếu mẹ suy sụp, ai sẽ chăm sóc mấy đứa nhỏ?".
Nhưng chị Hường chỉ dự liệu đúng một nửa. Không phải cả nhà được yêu cầu cách ly tập trung mà chỉ mình bé Hải Ly, con gái đầu của chị - người thuộc diện F2. "Nghe tin con phải một mình đi cách ly, tim tôi như bị ai bóp nghẹt", người mẹ nói.
Cuộc hôn nhân của chị đổ vỡ cách đây ba năm. Nhưng từ lúc 5 tuổi, Hải Ly và em gái đã sống với bà ngoại do mẹ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Chị luôn dạy con gái đầu "phải chững chạc để thay mẹ lo cho em".
Hơn ai hết, Hường hiểu cảm giác trở thành nạn nhân của đại dịch là như thế nào. Ba tháng trước, chị từng nhận tin mình dương tính với nCoV ở xứ người. Hồi đó, trong tòa nhà 24 phụ nữ Việt Nam sinh sống tại Tokyo, có một người dương tính nên tất cả được yêu cầu xét nghiệm.
Những ngày chờ kết quả, chị ăn không thấy ngon. Trong phòng, chị và một người bạn gần như ngộp thở vì bật điều hòa ở nhiệt độ cao nhất để "virus chết nóng". Sau đó, họ lại mở tung cửa sổ cho "virus bay ra ngoài". Đọc tin tức thấy hàng triệu người chết vì Covid-19, người phụ nữ Việt trở nên hoảng loạn. Đi ngủ Hường cũng đeo khẩu trang. Trước khi tòa nhà bị phong tỏa, bạn cùng phòng có biểu hiện cúm, mất cảm giác mùi vị nên chị càng căng thẳng.
Sáng 2/11, Hường nhận được thư thông báo kết quả xét nghiệm: "Chúng tôi rất tiếc phải thông báo, xét nghiệm lần một cho thấy bạn đã dương tính với virus". Mắt chị nhòe đi. Lập tức, hình ảnh hai đứa con gái và mẹ già hiện lên trong tâm trí chị Hường. Không hề có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh, Hường thầm hy vọng gặp may nên kết quả dương tính đã lập tức quật ngã tinh thần chị. Hường lo nếu chẳng may chị chết vì Covid-19, lũ trẻ và mẹ già sẽ bơ vơ.
Người phụ nữ lập cập cầm điện thoại gọi video về cho mẹ và các con. "Mẹ mắc Covid là sẽ chết ạ?", cô bé lớp Ba òa lên nức nở. Hường chợt nhận ra, nếu lúc này chị không mạnh mẽ, sẽ không chỉ mình khổ mà các con sẽ phải chịu thêm thiệt thòi. Hường dặn mẹ: "Ở bệnh viện không có sóng đâu, mẹ đừng gọi cho con". Thực ra, Hường đang nói dối.
Ngày hôm sau, Hường được kiểm tra sức khỏe tổng thể và tiến hành xét nghiệm lần hai. Lần này, kết quả cho thấy chị Vũ Hường âm tính với Covid-19. Gánh nặng được trút bỏ. Chị tiếp tục bốn ngày ở viện theo dõi theo quy định. Ngày thứ sáu, chị Hường được về nhà tự cách ly 14 ngày.
Kế hoạch về quê vào Tết Dương lịch và đón Tết Nguyên Đán cùng con bị hủy do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chị cũng từng xét nghiệm dương tính nên lo sợ việc di chuyển sẽ ảnh hưởng đến các con, đến quê nhà.
Sau khi con gái thông báo phải một mình vào khu cách ly, chị lập tức gọi về, cố không rơi nước mắt. "Con không sao đâu mẹ ạ. Có các bạn và cô giáo đi cùng. Con được ở cùng với các bạn chơi thân nên không buồn", Hải Ly điềm tĩnh đáp lời mẹ.
Chị Hường tin con đang chia sẻ cảm giác thật của mình. Xa bố mẹ, từ bé Hải Ly đã rất độc lập. Con biết phụ bà ngoại làm việc nhà, cắm cơm, rửa bát. Trò chuyện xong với con, Hường trấn an mẹ và dặn bà, trong vườn nhà có rau, có chuối chín thì gửi vào cho cả phòng Hải Ly ăn.
Ngày đầu "nhập trại", cô bé lớp 6 được ở chung phòng với 7 bạn khác và một phụ huynh. Bàn ghế trong lớp học đều đã được dọn ra ngoài. Hường và các bạn rải chăn, nệm làm nơi nghỉ ngơi. Quen nhau, lũ trẻ trò chuyện qua khẩu trang suốt buổi. Đến chiều, Hải Ly và bạn ôm quần áo đi tắm, ngơ ngác vì không biết tắm ở đâu.
Ngày đầu, chúng chỉ được thay quần áo. Nhưng ngay ngày hôm sau, khu nhà tắm đã được xây dựng dưới chân dãy nhà hai tầng. Bình nước nóng cũng được lắp đặt. Nghe kể, chị Hường bớt xót con hơn.
"Đi làm về muộn nhưng hôm nào mẹ cũng gọi điện hỏi xem con khỏe không, dặn dò việc ăn uống", Hải Ly nói. Hàng ngày, tám đứa trẻ thay phiên nhau cử một bạn đi nhận cơm cho phòng. Chúng xếp hàng, giữ khoảng cách 2 mét.
Các con tự vệ sinh cá nhân, giặt giũ. Hải Ly được phụ huynh duy nhất trong phòng khen hiểu chuyện: "Nhiều bé vào đây mới biết giặt quần áo, tự ăn uống, nhưng Hải Ly thì rất độc lập và tự giác, không ai phải nhắc nhở".
Nhưng ở phòng, phụ huynh và các nhân viên y tế thường phải nhắc nhở vì lũ trẻ thân thiết hay quên mình đang cách ly. "Một ngày các cô nhân viên y tế sẽ đến đo thân nhiệt từ hai đến ba lần", Hải Ly tường thuật với mẹ.
Có hôm, gọi video về, thấy con gái chỉ ăn hết nửa suất cơm, chị Hường mắng. "Nhưng cơm cứng lắm mẹ ạ!", Hải Ly và bạn thay nhau đáp. "Các con đi cách ly nhưng sướng gấp vạn lần những người đang phục vụ các con. Ăn hết cơm không chỉ là để có sức khỏe mà còn thể hiện sự trân trọng với những người đang vất vả lo cho các con", chị dặn Hải Ly và bạn con.
Điều hạnh phúc nhất của chị Hường là sau một tuần cách ly, con gái đã có những kỷ niệm khó quên trong đời. Cách đó nửa tháng, Hải Ly và bạn thân xảy ra xích mích, không nhìn măt nhau. Ở cùng phòng trong hoàn cảnh đặc biệt, không có bố mẹ ở bên, hai đứa bắt chuyện lại. "Bọn con chia đồ ăn cho nhau. Ôm chầm lấy nhau. Thế là làm lành", cô bé khoe với mẹ. Ngoài những phút chạy bộ dưới sân trường, chơi cầu lông, nhảy dây, lũ trẻ dành vài tiếng học bài. Hải Ly vừa hoàn thành bức tranh cổ vũ mọi người phòng chống Covid-19. Dưới góc bức tranh, đứa trẻ viết: "Chí Linh ơi! Cố lên! Cùng nhau vượt qua chiến dịch (đại dịch) nhé!".
Những ngày giáp Tết, bé Hải Ly và các bạn trong phòng đang vẽ đào, bánh chưng trên bảng để mang không khí mùa xuân về khu cách ly.
Ở xa con hơn 3.600 km, giờ chị Vũ Hường đã thấy nhẹ lòng khi nghe con nhắn: "Đi cách ly sướng hơn ở nhà một chút".
Cách đây vài hôm, chị Hường gửi một khoản tiền về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ công tác phòng chống Covid-19 và một khoản ủng hộ trường THCS Sao Đỏ.
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn Nhà nước vì đã tạo điều kiện tốt nhất cho các con. Dù nước ngoài y tế có hiện đại bao nhiêu, tôi vẫn tin không thể bằng trong nước mình. Bởi không nơi đâu người dân đoàn kết, Chính phủ dốc lòng vì dân như Việt Nam", người mẹ nói.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...