Theo tiến sĩ Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc cổ truyền Dân tộc, hoa nghệ tây có nguồn gốc ở vùng Tây Á và Địa Trung Hải, hiện trồng nhiều ở Iran, Hy Lạp, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, cả Bắc Phi và Bắc Mỹ. "Nhụy hoa nghệ tây được coi là hoàng đế của các loại gia vị, thuộc loại đắt tiền nhất thế giới, giá rất cao, loại thượng hạng gần 700 triệu đồng một kg", ông Khánh nói. 

Mỗi cây nghệ tây chỉ có 4 hoa, mỗi bông hoa có 3 đầu nhụy dài và nhỏ hơn que tăm. Để có một kg nhụy cần đến 170.000-200.000 bông hoa. Do quý hiếm, giá saffron rất đắt. 

Đông y ghi nhận nhụy nghệ tây có vị đắng đặc trưng, chứa tinh dầu và các chất carotenoid, safranal cho mùi thơm, picrocrocin cho vị đắng và α-crocin. Các chất này có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa. Các bộ phận khác của nghệ tây như cánh hoa, lá, củ, cũng chứa hoạt chất chống oxy hóa, trong đó tập trung nhiều nhất ở đầu nhụy hoa.

Nhụy hoa nghệ tây. Ảnh: Thùy An

Thời cổ đại, người Ai Cập đã dùng nghệ tây để chữa bệnh, làm nước hoa, trang điểm mí mắt, sơn móng tay, làm thuốc nhuộm và làm gia vị nấu ăn, tiến sĩ Khánh cho biết. Người Ba Tư cổ tin rằng nhụy hoa nghệ tây chữa được chứng trầm cảm và thường pha vào trà nóng để uống. Vào thế kỷ VIII, người Hồi giáo mang thứ gia vị này đến Tây Ban Nha và dùng khi chế biến các món ăn cao cấp. Trong thời kỳ Phục hưng, nhụy hoa nghệ tây có giá trị như vàng. 

Ngày nay cả y học cổ truyền và y học hiện đại sử dụng nhụy hoa nghệ tây như vị thuốc có tác dụng an thần, trừ đờm, kích thích tình dục. Saffron cũng hiệu quả trong chữa tiêu chảy, hạ đường huyết, giảm mỡ máu, tăng miễn dịch, chống cảm lạnh, sỏi thận, chuột rút, chứng mất ngủ, tiểu đường, hen suyễn... Ngoài ra, nhụy nghệ tây được xem như một loại thuốc trị rối loạn tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, làm dịu cơn đau thắt lưng trong kỳ kinh nguyệt. 

Hiện ở Việt Nam nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, tìm mua nhụy hoa nghệ tây để làm đẹp và bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, tiến sĩ Khánh khuyến cáo do quý hiếm và lợi nhuận kinh tế cao, nhụy nghệ tây bị làm giả rất nhiều. Trên thị trường đã xuất hiện loại saffron giả rất khó phân biệt bằng mắt thường. Đặc biệt, nhụy hoa nghệ tây dạng bột càng dễ bị làm giả với các chất độn là bột nghệ, bột ớt lẫn phẩm màu. Những loại saffron giả hoặc kém chất lượng này giá rẻ hơn hàng thật nhiều. 

Saffron giả (ảnh trái)  và saffron thật. Ảnh: Công Khánh.

Để saffron tác dụng hiệu quả, cần dùng đúng liều lượng. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), người trưởng thành được khuyên nên sử dụng 0,1 g saffron (khoảng 50 sợi) mỗi ngày, tức 3 g mỗi tháng. Dùng quá nhiều nhụy hoa nghệ tây, lên đến 15 g một lần, có thể gây ngộ độc. 

Phân biệt nhụy hoa nghệ tây thật - giả

- Saffron thật thả vào nước lạnh sẽ loang ra màu chậm. Saffron giả khi thả vào nước sẽ phai ra ngay như phẩm màu.

- Saffron thật thả vào nước cho màu vàng nghệ sáng; saffron giả ra màu cam đỏ.

- Saffron thật khi thả vào nước phần sợi có hình thuôn dài; saffron giả sợi ngắn hơn.