Nhiều người còn e ngại việc đi khám phụ khoa

Nói đến những vấn đề sinh lý gây nhiều khó khăn cho chị em phụ nữ, không thể không nói đến chứng đau bụng mỗi kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn bị đau bụng kinh thì bạn rất nên đi khám phụ khoa ít nhất một lần xem sao, bởi vì biết đâu được đấy là triệu chứng của các bệnh như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung. Ngoài ra, nếu đi khám phụ khoa, bạn sẽ được các bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất cho tình trạng của mình. Tuy vậy, mặc dù nghĩ đi khám phụ khoa là rất tốt, nhưng có nhiều người vẫn từ chối không muốn đi khám.

Các bác sĩ cũng nhận ra rằng những cô gái trẻ ở tuổi vị thành niên, khi nói đến việc đến khám phụ khoa thường có tâm lý khá e ngại và bất an. Chính vì thế, thời gian gần đây, chúng tôi đang thúc đẩy một sự đổi mới rằng nên “hạn chế khám vùng chậu khi không cần thiết đối với trẻ đang dậy thì”. Thay vì vậy, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bằng các phương pháp như hỏi bệnh, khám siêu âm ổ bụng và nếu cần thì kiểm tra MRI (xem hình minh họa) để kiểm tra bên trong cơ thể. Vì vậy, đừng lo lắng gì cả mà hãy đến các phòng khám phụ khoa để kiểm tra sức khỏe nhé.

Không uống "thuốc giảm đau" thật ra lại là có hại!

Khi bị đau bụng sinh lý, nhiều người thường lựa chọn không dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, việc uống thuốc giảm đau không chỉ giúp bạn kìm chế được cơn đau khó chịu, mà còn cho phép bạn dễ dàng học tập và vận động, từ đó có thể sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả hơn. Một số người lo lắng về tác dụng phụ của thuốc, nhưng nếu chỉ sử dụng thuốc trong kỳ kinh nguyệt thôi thì bạn cũng không có gì để phải lo lắng cả.

Bên cạnh đó, cũng có một số người cho biết rằng dù có uống thuốc rồi cũng không thấy nó có tác dụng gì cả. Trong trường hợp này, vấn đề có thể là do loại thuốc bạn đang sử dụng là không phù hợp hoặc bạn có lẽ nên cân nhắc lại thời điểm sử dụng thuốc. Nếu bạn chịu đựng lâu và để cơn đau trở nên mạnh hơn, khi đó thuốc giảm đau có thể sẽ không còn phát huy tác dụng. Vì vậy điều quan trọng là bạn nên uống thuốc ngay khi mới bắt đầu cảm thấy đau nhẹ.

Ngoài ra, một số người cũng cho rằng nếu uống nhiều thuốc giảm đau, nó sẽ không còn tác dụng. Tuy nhiên, trong thực tế sẽ không có chuyện vì cơ thể đã quen thuốc nên nó mất đi hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy trước đây nó có tác dụng nhưng gần đây uống vào lại thấy không có hiệu quả nữa, đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn (chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung).

Phương pháp tự chăm sóc để giảm đau bụng kinh

Chúng ta hoàn toàn có thể giảm các cơn đau bụng sinh lý này bằng các biện pháp tự chăm sóc bản thân.

Chẳng hạn bằng cách làm ấm bụng, bạn sẽ cải thiện tuần hoàn máu bên trong cơ thể và nhờ vậy cơn đau sẽ suy giảm. Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ qua việc cải thiện lưu thông máu của phần thân dưới cơ thể bằng cách ngâm chân hoặc tắm nước ấm cũng có tác dụng chữa đau bụng kinh. Đồng thời, vận động nhẹ nhàng cũng rất được khuyến khích vì nó có tác dụng cải thiện lưu lượng máu bị ứ trong khung chậu.