Vì sao đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước?

Việc đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước và đổi tên thẻ tương ứng là một trong những nội dung lớn được quan tâm khi dự thảo Luật Căn cước được đưa ra nghị trường.

Sau khi dự thảo Luật Căn cước được tiếp thu, giải trình rõ, đa số đại biểu Quốc hội đã ủng hộ việc đổi tên Luật Căn cước và thẻ căn cước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước cũng giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự.

Trải qua 8 năm, thẻ căn cước công dân đã có 3 lần thay đổi. Điều này đồng nghĩa, từ 1/7/2024 có thể sẽ có 4 loại giấy tờ tùy thân cùng có hiệu lực sử dụng, gồm: CMND, thẻ CCCD mã vạch, thẻ CCCD gắn chip và thẻ căn cước.

Riêng với CMND, luật quy định có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Từ 1/7/2024, Luật Căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân sẽ đổi tên thành thẻ căn cước. Ảnh minh họa: TL

Từ ngày 1/7/2024, đối tượng nào phải đổi sang thẻ căn cước?

Theo Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:

- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi;

- Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

- Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

- Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

- Xác lập lại số định danh cá nhân;

- Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

Tại Điều 46 Luật Căn cước 2023 cũng quy định:

- Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 46 Luật Căn cước 2023. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

- CMND còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

- Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Như vậy, không bắt buộc người dân phải đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước mà chỉ những người thuộc trường hợp cấp đổi thẻ căn cước theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023.

Theo đó, người dân có thể tiếp tục sử dụng thẻ CCCD đến khi hết hạn, nếu công dân có nhu cầu thì vẫn được cấp đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.

So với thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước có thay đổi gì?

Theo Khoản 2, Điều 18 Luật Căn cước 2023 quy định về thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:

- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc";

- Dòng chữ "CĂN CƯỚC";

- Ảnh khuôn mặt;

- Số định danh cá nhân;

- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

- Ngày, tháng, năm sinh;

- Giới tính;

- Nơi đăng ký khai sinh;

- Quốc tịch;

- Nơi cư trú;

- Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

- Nơi cấp: Bộ Công an.

Người được cấp thẻ căn cước theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 bao gồm:

- Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Như vậy, khi đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước, tuy không đổi số thẻ đã cấp nhưng mẫu thẻ căn cước được cấp từ ngày 1/7/2024 sẽ có một số thay đổi:

- Tên thẻ đổi từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

- Thông tin chủ thẻ:

+ Cấp cho cả người dưới 14 tuổi;

+ Quê quán đổi thành Nơi đăng ký khai sinh;

+ Nơi thường trú đổi thành Nơi cư trú;

+ Không còn thể hiện dấu vân tay.

- Chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đổi thành Nơi cấp: Bộ Công an.

Làm thẻ căn cước có mất phí?

Khoản 2, Điều 38 Luật Căn cước quy định: "Công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu". 

Như vậy, đối với các trường hợp công dân lần đầu được cấp thẻ căn cước thì không phải nộp lệ phí.

Thẻ căn cước được bảo mật thế nào?

Chia sẻ trên NLĐO, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cho người dân được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm không bị lộ, lọt dữ liệu.

Cấp căn cước cho trẻ từ 0 - 6 tuổi như thế nào?

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Bộ Công an đang xây dựng Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước theo hướng sẽ có 2 mẫu thẻ căn cước bao gồm một mẫu thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và một mẫu thẻ cho các trường hợp từ 0 - 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc ảnh mặt, vân tay).

Việc cấp thẻ căn cước cho các trường hợp trẻ em từ 0 - 6 tuổi sẽ thông qua người đại diện hợp pháp. Cụ thể người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).

Trong trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước cũng không thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.