Tháng thứ 6 của thai kỳ là thời điểm thai nhi tăng trưởng nhanh nhất. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thai nhi đã dần hoàn thiện mắt mũi, do vậy bà bầu cần quan tâm và chăm sóc cơ thể nhiều hơn; cũng như thường xuyên cập nhật kiến thức để biết mình cần làm gì trong từng tháng.

Theo đó, bài viết dưới đây sẽ giúp những mẹ bầu mang thai tháng thứ 6 biết thêm mình cần chú ý những gì để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng

Trong giai đoạn này, thai phụ cũng cần tiếp tục bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, vitamin và khoáng chất để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, tháng thứ 6 của thai kỳ cũng là thời điểm hệ xương của bé phát triển mạnh mẽ nên mẹ bầu cũng cần tăng cường hấp thu thực phẩm giàu canxi như: Tôm, cua, sữa bầu,...

Bên cạnh đó, đây cũng là lúc thai phụ dễ gặp tình trạng như khô mắt, thị lực kém nên những thực phẩm giàu vitamin A như: Cà rốt, dầu cá,... rất tốt cho thời điểm này.

Giữa giai đoạn mang thai, tức là trong khoảng thời gian từ 4 – 6 tháng, thai nhi tăng trưởng rất nhanh. Mỗi ngày bình quân tăng trưởng khoảng 10g. (Ảnh minh họa: Internet)

Tập luyện thể dục thể thao

Tháng thứ 6 của thai kỳ cũng là lúc mẹ bầu cần thường xuyên tập thể dục bởi nó sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh để sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Theo đó, các bài tập kegel sẽ khiến cho vùng cơ chậu của mẹ mở rộng, dẻo dai hơn. Mỗi ngày mẹ chỉ nên tập khoảng 2 - 3 phút kết hợp với đi bộ để giảm hiện tượng phù chân.

Thăm khám định kỳ

Đây cũng là thời điểm mẹ bầu nên đi xét nghiệm đường huyết GCT để biết được lượng đường trong máu mình là bao nhiêu, có vượt quá tiêu chuẩn không, có bị tiểu đường,... để có cách điều trị thích hợp. Bởi tiểu đường là một căn bệnh nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình vượt cạn, thậm chí dẫn đến bị hạ đường huyết ngay sau khi sinh.

Những hoạt động cần tránh

Thời điểm tháng thứ 6 của thai kỳ, bụng bầu của thai phụ cũng khá to nên cần tránh những hoạt động mạnh, vất vả. Đồng thời không cúi xuống nhặt đồ hay vươn tay lấy đồ trên cao hoặc di chuyển quá nhanh,... bởi có thể sẽ làm động thai.

Ngoài ra, mẹ bầu không nên ngồi xe đi xa trong thời gian dài bởi sự lắc của xe sẽ khiến thai phụ bị đau bụng. Bên cạnh đó, luôn giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh vì nó có thể gây các cơn co thắt tử cung, dẫn đến sinh non.

 Tháng thứ 6 của thai kỳ, mẹ bầu nên tránh những động tác gây chèn ép bụng, tránh cơ thể bị chấn động. (Ảnh minh họa: Internet)

Một số bệnh lý cần lưu ý

Trong giai đoạn mang thai tháng thứ 6, mẹ bầu sẽ hay mắc phải các bệnh như nhiễm khuẩn đường tiểu, âm đạo. Theo đó, mẹ bầu nên uống nhiều nước, vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, hormone nội tiết trong thai kỳ sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa như khó tiêu, táo bón. Vì thế, mẹ bầu không nên ăn quá no và chia thành nhiều bữa, cũng như bổ sung chất sơ vào thực đơn hàng ngày để giảm tình trạng này.

Ngoài ra, trong giai đoạn này mẹ bầu còn bị khô mắt và giảm thị lực, do vậy thai phụ nên tránh tiếp xúc với màn hình máy tính và ánh sáng mạnh. Đồng thời, có thể dùng thuốc nhỏ mắt có tác dụng giữ ẩm dành riêng cho phụ nữ mang thai để cải thiện tình trạng này.