Nhiều loại lá tưởng như bỏ đi như lá ổi, lá sen, lá bàng, lá đinh lăng, tía tô... lại được rao bán ở nhiều nơi, thậm chí còn rất tốt cho sức khỏe.

Lá tầm bóp

Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, tầm bóp ở Việt Nam có rất nhiều, tuy nhiên ít được sử dụng dù có một số dược tính tốt. Chúng có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, sau trở thành liên nhiệt đới. Nhiều người thấy tầm bóp mọc hoang khắp nơi, trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đất hoang hay ven đường làng quê. Cũng còn thấy ở ven rừng từ vùng thấp đến vùng có độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Dược liệu sử dụng tươi hay phơi khô dùng dần.

Tầm bóp được biết đến như loại rau dại. Lá cây tầm bóp có thể dùng để ăn lẩu, nấu canh nghêu, cua, tôm hoặc luộc xào đều rất ngon. Là một loại rau mọc dại nên tầm bóp dễ trồng, dễ sống. Người ta không phải tốn quá nhiều thời gian để chăm sóc cây vẫn xanh tốt và ra nhiều trái. Vì thế có thể tận dụng khoảng đất trống trong vườn, thùng xốp hoặc chậu cây để gieo trồng tại nhà.

Lá ổi

Hầu hết các bộ phận của ổi đều có hoạt tính hóa học nên các công dụng chữa bệnh của cây ổi đến nay vẫn còn tiếp tục được nghiên cứu. Trên thực tế, người ta biết nhiều về lợi ích của quả ổi, còn lợi ích của lá ổi với sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Đây đều là những loại lá rất tốt cho sức khỏe

Lá ổi có nhiều cách sử dụng khác nhau và trong lá ổi có thành phần berbagia rất cao - loại hoạt chất điều trị hiệu quả bệnh tiêu chảy cấp. Khi pha với trà, lá ổi giúp giảm cholesterol và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Một trong những lợi ích chính của lá ổi cho sức khỏe của chúng ta chính là giúp giảm cân nhanh chóng. Khi bạn uống nước lá ổi xay cùng với hoa quả khác sẽ giúp ngăn ngừa các loại tinh bột nạp vào cơ thể chuyển hóa thành đường.

Búp ổi có tác dụng trong việc làm giảm vấn đề tiêu chảy hoặc các loại đau bụng khác. Cho búp ổi và rễ của cây ổi vào nồi, đổ nước, sau đó đun sôi. Uống khi đói.

Một cốc trà lá ổi cũng hữu ích cho việc tiêu hóa tốt nhờ nó có tác dụng kích thích sản xuất các enzym tiêu hóa. Khi bạn sử dụng lá ổi dưới dạng nước ép hoặc pha trà, nó rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Lá vối

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, trong lá vối có saponin, rất ít tanin, vết ancaloit (thuộc nhóm indolic) gần gũi với cafein và 4% tinh dầu bay hơi, mùi thơm dễ chịu. Các bộ phận khác của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa acid triterpenic.

Nhiều nghiên cứu cho thấy trong lá và nụ vối đều có tính kháng sinh với một số vi trùng gram+ và gram- ở tất cả các giai đoạn phát triển. Chất kháng sinh (kháng khuẩn) thường tập trung cao nhất ở lá vào mùa Đông.

Hoạt chất kháng sinh tan trong nước, các dung môi hữu cơ, vững bền với nhiệt độ và ở các môi trường có độ Ph từ 2-9. Chúng có tác dụng mạnh nhất với Streptococus (hemolytic và staman), sau đến vi trùng bạch hầu và Staphyllococcus và Prieumococcus. Chúng hoàn toàn không có độc đối với cơ thể người.

Ngoài ra, lá và nụ vối từ lâu đã được nhân dân ta nấu nước để uống vừa thơm, vừa tiêu thực, kích thích tiêu hóa, tán thũng, chỉ huyết, sinh cơ. Lá vối tươi hay khô sắc đặc được xem có tính chất sát trùng để rửa những mụn nhọt, lở loét, ghẻ, ngứa. Nói chung uống trong nên dùng nụ lá khô, bôi rửa ngoài nên dùng tươi.

Lá đinh lăng

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng. Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, là loại cây nhỏ thường được trồng làm cây cảnh trước nhà.

Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

Lá tía tô

Thu hái vào lúc cây bắt đầu có hoa, phơi khô ở nơi râm mát, dùng dần, lLá tía tô được xếp vào loại thuốc 'tân ôn giải biểu'.

Theo Đông y, lá tía tô vị cay, tính ấm; vào các kinh phế và tỳ; có tác dụng hạ khí, tiêu đờm dùng chữa cảm cúm không ra mồ hôi và ho tức ngực, nôn, đầy bụng, tiêu hóa kém, thai động không yên, còn được dùng để giải độc tôm cua, mật cá.