Ấn Độ: Chép phạt lời xin lỗi 500 lần vì vi phạm lệnh phong tỏa

Truyền thông địa phương cho biết, hôm 12/4, một số du khách người Israel, Mexico, Australia và Áo đã bị bắt gặp đang đi lại tại điểm du lịch ở thành phố Rishikesh, bang Uttarakhand, Ấn Độ. Cảnh sát địa phương đã bắt được nhóm du khách này và nhân viên cảnh sát Vinod Sharma đã bắt họ chép phạt 500 lần dòng chữ: "Tôi không tuân thủ quy định phong tỏa. Tôi xin lỗi".

Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, bắt đầu từ ngày 25/3 để phòng chống đại dịch COVID-19. Hơn 1,3 tỷ dân của quốc gia này được yêu cầu ở yên trong nhà, chỉ được ra ngoài trong những việc thực sự cần thiết. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, vẫn có nhiều người dân và khách du lịch phớt lờ quy định của chính phủ, ngang nhiên đi ra đường khi không có việc cần thiết.

 

Du khách nước ngoài tại Ấn Độ bị bắt chép phạt lời xin lỗi ngay cạnh bờ sông.

Cảnh sát Vinod Sharma cho biết, hơn 700 khách du lịch nước ngoài từ Mỹ, Australia, Mexico và Israel trong khu vực đã bỏ qua các quy tắc phong tỏa. Do đó, anh cùng các đồng nghiệp của mình đã nghĩ ra cách trừng phạt hết sức độc đáo này để răn đe và dạy cho họ một bài học.

Cảnh sát địa phương cũng cho biết, họ đã chỉ đạo các khách sạn trong khu vực chỉ được phép cho du khách nước ngoài ra ngoài khi có người bản địa đi cùng. "Những cơ sở không tuân thủ quy định có thể đối mặt với sự trừng phạt pháp lý", cảnh sát Vinod Sharma cho biết.

Người dân bị phạt roi hoặc chống đẩy nếu ra đường không có lý do.

Không chỉ bắt những người vi phạm lệnh phong tỏa chép phạt, cảnh sát Ấn Độ còn có một loạt những biện pháp độc đáo và "bá đạo" khác. Một số địa phương như thị trấn Noida (bang Uttar Pradesh), thành phố Bengaluru (bang Karnataka)... đã áp dụng phương pháp "khoảng cách xã hội". Trước mỗi cửa hàng mua sắm, họ đã vẽ những kẻ vạch, ô vuông hoặc ô tròn để mỗi người dân sẽ đứng xếp hàng tại đó, giữ khoảng cách an toàn nhất định và tránh được tình trạng chen lấn xô đẩy nhau. Những người vi phạm có thể bị phạt roi ngay tại chỗ.

Những cách dọa dân cực sáng tạo của cảnh sát Ấn Độ.

Cảnh sát bang Uttar Pradesh thậm chí còn bắt người dân chống đẩy hoặc đứng lên ngồi xuống nhiều lần nếu vi phạm lệnh phong tỏa. Trong khi đó, cảnh sát tại thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, thì thiết kế hẳn một chiếc mũ hình virus corona để dọa người dân trở về nhà.

Ukraine: Đào mộ sẵn để dọa người dân

Tính đến 15h ngày 13/4, Ukraine đã ghi nhận 3.102 ca nhiễm COVID-19, 93 người tử vong và 89 người khỏi bệnh. Riêng tại thành phố Dnipro, thành phố lớn thứ 4 của Ukraine, chỉ mới có 13 người nhiễm bệnh và chưa có người nào tử vong. Tuy nhiên, khi thấy nhiều người dân phớt lờ quy định cách ly của chính phủ, thị trưởng thành phố này, ông Borys Filatov đã nghĩ ra một cách.

Ông Borys Filatov viết trên trang Facebook cá nhân rằng chính quyền địa phương "đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất". Ông cho biết thêm rằng 615 huyệt mộ đã được đào sẵn tại 12 nghĩa trang để chuẩn bị cho việc có nhiều người tử vong vì COVID-19 trong thời gian tới. Thành phố với hơn 1 triệu dân này không có lò hỏa táng nào.

Thành phố Dnipro tại Ulraine đào sẵn hơn 600 huyệt mộ để dọa người dân về mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ông Borys Filatov cũng cho biết thành phố đã chuẩn bị 2.000 túi đựng thi thể cho bệnh nhân. Các nhân viên y tế sẽ không được khám nghiệm tử thi cho những người tử vong vì COVID-19.

Sau khi những hình ảnh và clip về huyệt mộ được đào sẵn tại thành phố Dnipro được chia sẻ lên mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng việc này sẽ khiến người dân thêm sợ hãi và hoảng loạn, không giúp ích cho quá trình phòng chống dịch bệnh. Đáp lại, Thị trưởng Borys Filatov nói rằng đây chỉ là biện pháp để người dân tuân thủ quy định hơn. Ông nói: "Đây không phải là để người dân hoảng loạn và mà công tác hậu cần. Chúng ta sẽ cần đến những ngôi mộ và túi đựng thi thể".

Philippines: Phạt ngồi phơi nắng

Philippines hiện là một trong những điểm nóng COVID-19 lớn nhất Đông Nam Á, với 4.932 ca nhiễm bệnh, 315 người tử vong và 197 người được chữa khỏi, tính đến 15h ngày 13/4. Nước này đã áp dụng lệnh cách ly xã hội toàn quốc, ngoài ra phong tỏa một số khu vực, trong đó có đảo Luzon, khu vực đông dân nhất đất nước.

Thành phố Paranaque tại Philippines phạt người dân phơi nắng nếu phớt lờ quy định cách ly (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Tư pháp Philippines, ông Menardo Guevarra đã cảnh báo những người vi phạm chống lệnh hoặc không tuân theo khuyến cáo cách ly, làm ảnh hưởng tới cộng đồng, sẽ phải đối mặt với các cáo buộc và bị bắt giữ. Mức phạt cho các trường hợp "kháng cự yêu cầu từ những người có thẩm quyền" là 100.000 peso (hơn 46 triệu đồng) và phạt tù tới 6 tháng.

Ngoài ra, Philippines còn có những biện pháp trừng phạt mang tính răn đe vô cùng "bá đạo" khác. Ở thành phố Paranaque, những người vi phạm quy định về phong tỏa và cách ly trong dịch COVID-19 sẽ bị cảnh sát phạt ngồi phơi dưới cái nắng như thiêu như đốt suốt vài tiếng.