Những em bé Việt Nam đầu tiên ra đời từ thụ tinh ống nghiệm gặp lại sau 25 năm
Ông Mai Văn Phơn, 68 tuổi, ngồi lặng lẽ trong lễ kỷ niệm ở Bệnh viện Từ Dũ sáng 27/4. Cách đây đúng 25 năm, tại nơi này, các bác sĩ đã chạy ra ôm chầm lấy ông khi người vợ đậu thai từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
“Ngay từ đầu, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) đã nói, xác suất đậu thai của vợ tôi là 0,05 phần nghìn! Cực kỳ thấp! Kỹ thuật quá mới, vợ tôi lại lớn tuổi (43 tuổi). Nói thật lòng, tôi không có nhiều hy vọng”, ông nói.
Vợ chồng ông Phơn kết hôn từ năm 1983. Suốt 15 năm, họ chạy chữa khắp nơi, ai chỉ ở đâu cũng đi, thuốc thang nào cũng uống. Tiền bạc, thời gian, công sức không thể kể hết để mong có con.
“Khó nói nhất là chuyện tình cảm gia đình. Bao năm hai vợ chồng đi làm về cứ ngồi nhìn nhau… Vì vậy, dù ít hy vọng nhưng chúng tôi vẫn quyết làm. Ngay lần chuyển phôi đầu tiên, vợ tôi đã đậu thai.
Tôi không bao giờ quên, bác sĩ chạy ra hỏi tôi có phải Mai Văn Phơn không. Tôi vâng, mọi người ùa ra ôm chầm lấy mình, còn mình thì mừng muốn xỉu", ông cười và kể lại.
Suốt 9 tháng sau đó, vợ ông Phơn sống ở viện gần như suốt thai kỳ. Hành trình vất vả đến tận ngày sinh con. Theo dự kiến, ca mổ này xếp thứ hai nhưng đột nhiên người mẹ có dấu hiệu suy tim, thai bị nhau quấn cổ hai vòng.
Giáo sư Ngọc Phượng gọi ông lên báo tình hình và nói, phải mổ gấp để cứu cả mẹ và con. “Tất cả nhờ cô giúp cháu”, ông trả lời. Và như vậy, Mai Quốc Bảo là cậu bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam vào lúc 2h45 ngày 30/4/1998.
“25 năm qua, Bảo là đứa con ngoan, học hành tốt. Cháu đã đi làm. Khi vào đại học vài tháng, mẹ qua đời, Bảo ít nói, trầm tính hơn”, ông Phơn nói, giọng nhỏ dần.
“Lúc nhỏ, em hơi phiền vì nhiều người biết mình ra đời từ IVF”
Nụ cười rạng rỡ là ấn tượng của rất nhiều người khi gặp Lưu Tuyết Trân (25 tuổi) sáng nay. Từ 5h sáng, hai mẹ con Trân đã thuê xe từ Tiền Giang lên TP.HCM để kịp dự lễ.
Trân tâm sự khi em đang học khoảng lớp 8, có đoàn quay phim xuống Tiền Giang phỏng vấn. Lúc đó, mẹ mới nói em là cô bé đặc biệt được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm.
“Hồi nhỏ, em ngại vì mọi người biết chuyện này, đôi khi thấy phiền vì ai cũng hỏi. Nhưng khi lớn lên và biết suy nghĩ hơn, em lại thấy mình rất đặc biệt và may mắn. Em tự hào vì mình là một trong 3 em bé đầu tiên ở Việt Nam sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm”, cô gái nói.
Bà Trần Thị Bạch Tuyết (58 tuổi, Tiền Giang) là mẹ của Tuyết Trân. Sau 5 năm kết hôn nhưng không có thai, vợ chồng bà nhờ một cơ duyên đã đăng ký thụ tinh ống nghiệm. Gần một tháng sau, bà được chọn thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới nhất ở Việt Nam bấy giờ. Biết có đau đớn và nguy cơ thất bại, nhưng đây cũng là cơ hội rất hiếm hoi.
Chi phí thụ tinh ống nghiệm cũng là một khó khăn khi chồng bà là công chức, bà là nội trợ. Nhưng bước qua tất cả, bà may mắn đậu thai ngay lần đầu thực hiện IVF.
Tuyết Trân chào đời ngày 30/4/1998, hơn một năm sau em mồ côi cha. Bà Tuyết mất đi điểm tựa vững chắc, vất vả kiếm sống. Sau vài năm, bà xin vào công sở làm việc ổn định hơn và nuôi dạy Trân nên người.
“Bao nhiêu năm chỉ có hai mẹ con, mẹ dành tất cả mọi thứ tốt nhất cho em. Mẹ càng cưng chiều, em càng muốn bù đắp cho mẹ nhiều hơn. Em không TP.HCM học đại học mà chọn ở Tiền Giang, rồi đi làm gần nhà để chăm lo cho mẹ nhiều nhất”, Trân nói.
“Tôi chỉ mong con ăn học thành tài, có ích cho xã hội”, bà Tuyết chia sẻ trong lễ kỷ niệm 25 năm kỷ niệm ngày ra đời 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh viễn vì loại đồ ăn được giới trẻ cực ưa chuộng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình để có cách chữa giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia đình và mặc dù không có cách tiếp cận chung nào cho tất cả nhưng các bậc cha mẹ thành công thường có những đặc điểm chung nhất định trong việc nuôi dạy con cái.
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở trong nhà, dán mắt vào màn hình hơn là chơi bên ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù công nghệ có những ưu điểm nhưng vui chơi ngoài trời rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ.