Mang thai lần đầu, nhiều chị em không khỏi băn khoăn mang thai cần kiêng kỵ những gì và nên làm gì, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất khi bé còn quá nhỏ, vừa tượng hình. Trong khi đó, cơ thể mẹ vẫn chưa hẳn thích nghi được với việc mang thai. Vì vậy, mẹ nên né tránh những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

6 điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai

1. Hút thuốc

Hút thuốc là không chỉ là một trong những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai mà còn là việc cần tránh trong suốt thai kỳ. (Ảnh minh họa)

Tác hại của hút thuốc chủ động và hút thuốc bị động đều như nhau. Theo nghiên cứu, phụ nữ hút thuốc khi mang thai hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc có nguy cơ sảy thai cao hơn và thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như sứt môi, hở hàm ếch, sinh non, nhẹ cân hoặc thậm chí là thai chết lưu.

Hoặc nếu không, những em bé này khi sinh ra cũng có khả năng cao chậm tiếp thu hơn những đứa trẻ khác, dễ mắc phải Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Những đứa trẻ này cũng có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc sớm do bị nghiện nicotine sinh lý.

2. Sử dụng chất kích thích

Sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê,... khi mang bầu đều có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Cụ thể, uống rượu trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể khiến thai nhi bị dị tật trên khuôn mặt, hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, uống rượu khi mang thai còn làm tăng nguy cơ sảy thai, chết lưu và khiến trẻ mắc phải chứng rối loạn phổ rượu thai nhi (FASDs - các khuyết tật về nhận thức và hành vi thứ phát trong cuộc đời trẻ).

Đối với cà phê, chất caffein trong loại thức uống này có thể đi qua nhau thai và gây ảnh hưởng đến nhịp tim của bé. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sức khỏe của mẹ và bé vẫn ổn định nếu như mẹ tiêu thụ không quá 200mg caffein, tương đương với 2 tách cà phê mỗi ngày trong 3 tháng đầu.

3. Ăn thực phẩm chưa chín hẳn

Ăn thực phẩm sống hoặc chưa chín hẳn dễ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi. (Ảnh minh họa)

Phụ nữ mang thai ăn đồ sống, chưa chín hẳn hoặc các loại thực phẩm có chứa thành phần trứng sống có nguy cơ mắc bệnh listeriosis và bệnh toxoplasmosis, từ đó gây ra các bệnh nghiêm trọng dẫn đến sảy thai hoặc khiến thai nhi bị dị tật. Vì vậy, không riêng gì 3 tháng đầu mà trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

4. Dọn phân chó mèo

Nghe có vẻ lạ nhưng dọn phân chó mèo là một trong những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai. Bởi trong chất thải của chó mèo có hàng triệu ký sinh trùng, đặc biệt trong đó có chứa toxoplasmosis, vô cùng nguy hiểm với phụ nữ mang thai.

Khi bị chất này xâm nhập vào cơ thể, mẹ bầu có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Những đứa trẻ sinh ra khi mẹ bị nhiễm loại ký sinh trùng này có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như thiểu năng trí tuệ, co giật, gặp vấn đề về thị lực. Vì vậy, các mẹ bầu nên nhờ ai đó dọn hộ phân chó mèo hoặc mẹ nên đeo găng tay, khẩu trang khi làm và rửa tay sạch sẽ sau đó.

5. Tắm bồn và nước quá nóng

Tắm bồn với nước quá nóng trong 3 tháng đầu có thể làm tăng nguy cơ sảy thai gấp 2 lần. (Ảnh minh họa)

Hiệp hội mang thai tại Mỹ cảnh báo rằng, bà bầu tắm bồn và nước quá nóng hay xông hơi có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Cụ thể, khi ngâm mình trong nước nóng quá lâu, thân nhiệt của bà bầu sẽ tăng cao khiến thai nhi trong tử cung cũng bị làm nóng, vượt quá mức nhiệt độ bình thường.

Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng nếu bà bầu tắm với nhiệt độ nước nóng cao hơn 39 độ C thì trí não và thị lực của thai nhi có thể bị ảnh hưởng.  Ngoài ra, nguy cơ sảy thai sẽ tăng gấp đôi khi bà bầu làm việc này trong 3 tháng đầu.

6. Ăn cho 2 người

Không ít người lầm tưởng rằng mang thai là mẹ phải ăn cho 2 người nhưng theo kinh nghiệm mang thai 3 tháng đầu thì điều này là hoàn toàn sai lầm. Các nghiên cứu cho thấy, rất nhiều phụ nữ tăng cân quá nhiều khi mang thai và điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, từ đó có thể dẫn đến tiền sản giật.

Ngoài ra, mẹ bầu tăng cân quá sớm và nhiều (đặc biệt là tăng cân nhiều trong 3 tháng đầu) còn có thể khiến thai nhi tiếp xúc với hàm lượng dưỡng chất "đậm đặc" hơn, bao gồm glucose và axit amin, từ đó khiến bé đối mặt với nguy cơ gặp rắc rối về trao đổi chất.

3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ nên kiêng gì?

Ngoài những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai kể trên, mẹ bầu cũng cần chú ý một số điều sau trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối:

- Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu

- Không mang vác đồ nặng từ 5kg trở lên để tránh động thai

- Hạn chế đi giày cao gót hoặc với tay lấy đồ ở vị trí cao

- Tránh hoạt động mạnh như chạy bộ, leo cầu thang, chơi những trò chơi cảm giác mạnh,...

- Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc điều trị tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ

- Giữ tinh thần vui vẻ, tránh nóng giận hay tiếp xúc với những thông tin rùng rợn trên báo chí, truyền hình