Bị cúm khi mang thai là một trong những nỗi lo sợ nhất của các bà bầu. Virut của dịch cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bi cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), mà khi sốt cao cộng với độc tính của virut cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi. Thai phụ bị cúm có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hở hàm ếch, tim bẩm sinh (hở van tim) và gây ra một số khiếm khuyết trên cơ thể... Đồng thời đã có những khẳng định có mối tương quan giữa sự nhiễm cúm của người mẹ khi mang thai với nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ.
Bởi não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 5 tháng đầu. Nguyên nhân của hiện tượng này là: Các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai. Cộng với sự hiện diện của gene của virut cúm và thân nhiệt của mẹ tăng cao khi bị bệnh, là những yếu tố tác động xấu đến não bộ của thai nhi. Đặc biệt, các thuốc trị cúm cũng có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương của bào thai.
Tuy nhiên không phải trường hợp mẹ bầu mắc cúm nào cũng bị ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy khi có dấu hiệu cúm thì thai phụ nên đi khám bác sĩ để đánh giá toàn diện và có hướng xử trí.