Chuẩn bị cho trẻ trước khi đi bơi

Hãy chuẩn bị cho trẻ các vật dụng như khăn lông, dầu gội, xà bông tắm, thuốc nhỏ mắt, dầu nóng, đồ bơi, kính, phao, mũ, kem chống nắng. Do da trẻ nhạy cảm cần bảo vệ da khỏi tia cực tím (UV) để giảm nguy cơ phát triển ung thư da và ngăn ngừa tổn thương, bạn cần lưu ý chọn mua đúng loại kem chống nắng dành cho trẻ nhỏ.

Chọn bể bơi an toàn và vệ sinh

Chọn bể bơi không quá đông người, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, nước không quá nặng mùi khử trùng. Ngày nhiệt độ lên cao, nên cho trẻ bơi ở bể bơi có mái che hoặc không bị hắt nắng để tránh bị cảm nắng.

Giờ bơi hợp lý

Mùa nóng nên nhiều người chọn đi bơi giữa trưa để làm mát cơ thể. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm. Không bơi vào lúc nắng gắt để bảo vệ sức khỏe và làn da. Theo các bác sĩ thời điểm tốt nhất để bơi lội là sáng sớm và chiều mát với khung giờ 5h30-8h, 6h-9h và sau 5h chiều.

Khoảng thời gian tuyệt đối không nên bơi là 10h-16h, đây là lúc mặt trời chiếu mạnh nhất nên nhiều tia cực tím nhất. Dù bạn có thoa kem chống nắng thì khi xuống bể bơi, chất khử trùng nước hồ sẽ nhanh chóng gột rửa kem, làm cho da bị cháy nắng, khô rát.

Khởi động trước khi bơi

Trước khi xuống bơi, cho trẻ khởi động các động tác đơn giản để làm nóng cơ thể, căng cơ, thư giãn các khớp, tăng bền sức, không bị oải, chuột rút... Chỉ cần xoay cổ tay, cánh tay, vai, cổ chân, khớp gối, xoay hông, cúi gập người, vươn vai trong vài phút.

Sáng sớm nếu nước còn quá lạnh, trẻ cần phải khởi động đầy đủ, tập thể dục hoặc tham gia một số trò chơi trên bờ để làm nóng cơ thể trước khi xuống nước, tránh nhiễm lạnh.

Không nên bơi trước và sau khi ăn

Bơi khi đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ, hoặc có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức. Bơi trong lúc dạ dày còn quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn…

Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ các món chế biến từ rau, củ, quả hơn là các món từ chất béo, thức ăn nhanh và cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ.

Bảo vệ mắt, tai, mũi, họng của trẻ

Đối với trẻ mới tập bơi, thời gian ở dưới nước không nên kéo dài quá 30 phút, áp dụng cho mùa hè. Vào cuối hè, đầu thu khoảng thời gian cho phép thu lại còn 15-20 phút. Sau buổi bơi, trẻ phải xì mũi thật sạch và đẩy nước ra khỏi tai (dạy trẻ nghiêng tai có nước xuống phía dưới, nhảy vài lần, làm cả 2 bên). Lau sạch ống tai bằng một que bông sạch.

Luôn theo dõi khi trẻ bơi

Để ý canh chừng là rất quan trọng nhằm tránh nguy cơ trẻ bị đuối nước, chuột rút…bởi thực tế đã có hơn 70% trẻ học bơi bị đuối nước do sự thiếu giám sát. Bạn nên sắp xếp thời gian ở lại cùng con vào những lần đưa bé đến bể bơi. Đừng hoàn toàn tin tưởng vào khả năng bơi lội của con mình, vì dù thế nào bé vẫn còn là học viên chứ chưa là một vận động viên.

Không phải trẻ nào cũng có thể bơi, những trẻ sau đây không nên tham gia hoạt động bơi lội:

- Trẻ mắc bệnh hen phế quản khi tiếp xúc với nguồn nước lạnh rất dễ bị lên cơn khò khè, khó thở, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

- Trẻ mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn… khi đi bơi sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.

- Trẻ bị viêm da dị ứng: Hoá chất được pha trong nguồn nước của hồ bơi gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi đi bơi phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sỹ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.