Những dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra tại vùng lũ
Việt Nam vừa trải qua nhiều đợt lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung. Sức khỏe của người dân trong khu vực này trở thành mối quan tâm với ngành y tế.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhận định sau khi lũ rút, nhiều cơ sở y tế tỉnh, thành trên toàn quốc bị ngập trong nước. Hiện nay, người dân sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều ca bệnh không được điều trị kịp thời.
“Chúng ta có thể mất mát nhiều hơn”
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt - khoa Bệnh Nhiệt Đới và Chăm sóc Giảm hại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - chia sẻ: “Tôi lo ngại nếu không được chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta có thể mất mát nhiều hơn”.
Nhận định này được bác sĩ Đạt chia sẻ trong chương trình khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống Telehealth do Bộ Y tế triển khai, diễn ra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Theo bác sĩ Đạt, nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh truyền nhiễm sau lũ. Ở vùng bị ngập lụt, người dân có nguy cơ cao bị các bệnh lây truyền qua nguồn nước do gián đoạn cung ứng nước sạch, vệ sinh môi trường.
Trong quá trình cứu hộ, cứu nạn, chúng ta cần di chuyển, tập trung quá đông. Người dân có khả năng cao mắc sởi, viêm màng não, bại liệt và gia tăng các bệnh nhiễm trùng hô hấp.
Ngoài ra, khi hệ sinh thái biến đổi, môi trường sống của các loại muỗi phát triển theo và gia tăng reo rắc vector truyền bệnh, dẫn tới sốt rét, sốt xuất huyết tại địa phương. Cơ sở y tế bị phá hủy hoặc quá tải vì lũ, người dân không được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời. Tình trạng lũ lụt có thể gây suy dinh dưỡng và lây truyền bệnh truyền nhiễm khác do dân cư vùng lũ cạn kiệt thương thực.
Cũng theo bác sĩ Đạt, ngành y tế cần can thiệp tức thời để kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Chúng ta cần đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, thực phẩm an toàn, trang bị các hệ thống giám sát, ứng phó và cảnh báo sớm. Điều quan trọng nhất đó là xử trí các ca bệnh sau lũ.
3 giai đoạn dịch bệnh sau lũ
Các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện sau vài ngày, vài tuần hoặc thậm chí nhiều tháng sau thảm họa. Bác sĩ Đạt cho hay dịch bệnh sau lũ diễn biến thành 3 pha. Trong đó, giai đoạn tác động kéo dài 4 ngày. Đây là thời điểm người dân được cứu thoát và cần được điều trị các tổn thương liên quan thảm họa.
Giai đoạn hậu tác động (4 ngày - 4 tuần) xảy ra khi các đợt dịch bệnh đầu tiên xuất hiện. Bác sĩ Đạt nhấn mạnh chúng ta có thể phải đối mặt nhiều đợt dịch khác tiến triển sau đó.
Cuối cùng là giai đoạn hồi phục (sau 4 tuần). Lúc này, các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm có thời gian ủ bệnh dài hoặc tiềm tàng bắt đầu xuất hiện. Các bệnh gần như trở thành dịch tại địa phương.
Bác sĩ Đạt cho hay, hiện tại, chúng ta cần chủ động đối phó với các dịch bệnh có thể bùng phát sau lũ, bao gồm:
Bệnh lây truyền qua nguồn nước
Các bệnh lây truyền qua nguồn nước có khả năng thành dịch như: tả, tiêu chảy cấp, thương hàn, Leptospira, viêm gan A và E, Campylobacter enteritis, Rotavirus. Các bệnh nhiễm trùng vết thương, tai mũi họng, viêm da, kết mạc có thể bùng phát mạnh nhưng không có xu hướng gây thành dịch lớn.
Các bệnh lý liên quan đám đông
Đây chủ yếu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi cứu hộ, cứu nạn. Bệnh lý cần đặc biệt quan tâm sàng lọc là sởi. Nguy cơ lây nhiễm của sởi phụ thuộc tỷ lệ bao phủ vaccine ở cộng đồng bị thảm họa, đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi.
Cùng đó, tiến sĩ Đạt nhấn mạnh bệnh viêm màng não do não mô cầu (Neisseria meningitides) lây truyền từ người sang người cũng tiềm ẩn nguy cơ gây dịch và cần được theo dõi sát sao.
Sau lũ, người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế, kháng sinh nên dễ bị nhiễm trùng hô hấp cấp. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong cao ở người di trú, tiếp xúc khói trong nhà.
Bệnh lây truyền qua vector (sốt rét, sốt xuất huyết)
Thảm họa tự nhiên, đặc biệt là lũ có thể thay đổi vị trí sinh sống của vector truyền bệnh. Ban đầu lũ lụt quét sạch các vị trí muỗi sinh sống, nhưng sau đó, mưa lớn gây nước tù đọng có thể tạo ổ muỗi mới gây sốt rét, xuất huyết.
Bởi vậy, đảm bảo nguồn nước sạch trong mùa lũ là điều tối cần thiết. Bác sĩ Đạt thông tin Tổ chức Y tế Thế giới đã hỗ trợ một số chất khử khuẩn nguồn nước cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn lũ chưa rút, chúng ta phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy, có thể làm giảm tác dụng bởi nó sẽ bị trôi theo dòng nước. Theo tiến sĩ Đạt, công tác diệt khuẩn nước cần được thực hiện trong giai đoạn hậu tác động.
Ông Đạt cho hay uốn ván, lao, dại, các bệnh liên quan thi thể, xác động vật (bò điên) cũng cần được quan tâm. Ngoài ra, bao cao su, thuốc tránh thai cũng là sản phẩm mà người dân cần để đảm bảo cả về sức khỏe sinh sản.
Tiến sĩ Đạt nhấn mạnh nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm sau lũ là rất cao. Việc chuẩn bị ứng phó dịch bệnh cần cân nhắc nguy cơ các bệnh chính thường gặp để chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, vật tư y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc và điều trị.
Ngoài ra, hai bệnh lý quan trọng nhất cần đề phòng là tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp. Việc xác định căn nguyên rất quan trọng bởi việc xử trí hoàn toàn khác nhau.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....