Những di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em và cách phòng tránh
Các triệu chứng và tình trạng có thể ảnh hưởng đến trẻ sau mắc COVID-19
Các vấn đề về hô hấp: Vì COVID-19 thường ảnh hưởng đến phổi nên các triệu chứng hô hấp kéo dài không phải là hiếm. Chúng có thể bao gồm đau ngực, ho và khó thở hơn khi tập thể dục. Một số triệu chứng này có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Trẻ bị khó thở do gắng sức mà không hết có thể cần xét nghiệm tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông.
Các vấn đề về tim mạch: Một nghiên cứu trên những bệnh nhân trưởng thành mới hồi phục sau COVID-19 cho thấy 60% trong số họ bị viêm cơ tim, bất kể các triệu chứng COVID-19 của họ nghiêm trọng như thế nào trong quá trình nhiễm trùng. Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi. Trẻ em và thanh thiếu niên có các triệu chứng trung bình hoặc nghiêm trọng trong vòng 6 tháng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra tim, trước khi trở lại trường học hoặc các hoạt động thể thao.
Thay đổi vị giác, khứu giác: Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi thì có 1 người bị COVID-19 thay đổi khứu giác và vị giác. Điều này có thể có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và tâm trạng của họ, thậm chí khiến họ không nhận ra mùi nguy hiểm, ví dụ mùi cháy, khét... Tuy nhiên, các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài quá lâu, bác sĩ sẽ kiểm tra hoặc hướng dẫn để phục hồi lại các giác quan này.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong một số trường hợp hiếm hoi, dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não (sưng não). Trẻ em đã từng bị COVID-19 có thể trải qua những thay đổi nhỏ về sự chú ý, lời nói, bài làm ở trường, chuyển động và tâm trạng. Bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia phát triển thần kinh, chuyên gia trị liệu vật lý sẽ hỗ trợ trẻ trong thăm khám, điều trị.
Mệt mỏi về tinh thần: "Sương mù não" - suy nghĩ, tập trung hoặc trí nhớ "mờ nhạt" cũng có thể gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng như đãng trí hơn hoặc khó chú ý, khó ghi nhớ... Người lớn hãy giúp trẻ ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng, điều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này. Nếu tình trạng mệt mỏi về tinh thần hậu COVID-19 không cải thiện hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày, khi đó nên đưa trẻ đi khám.
Thể chất mệt mỏi: Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, trẻ em và thiếu niên có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do virus gây ra. Điều này thường được cải thiện theo thời gian. Người lớn nên cho con tăng dần hoạt động thể chất từ từ. Nếu điều này không cải thiện các triệu chứng, cần đến gặp bác sĩ.
Nhức đầu: Nhức đầu là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn các bữa ăn đều đặn và kiểm soát căng thẳng có thể hữu ích. Nếu cơn đau đầu nhiều và kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc phòng ngừa.
Sức khỏe tâm thần và hành vi: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đối với trẻ em mắc bệnh tâm thần / hành vi hiện có, các sự kiện xung quanh COVID-19 (nhập viện, cách ly, nghỉ học) cũng có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Bác sĩ nhi khoa có thể kiểm tra con bạn để tìm các dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần khác, đồng thời tư vấn khi nào con bạn có thể cần được hỗ trợ thêm .
Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Việc chủng ngừa với hai liều Pfizer-BioNTech được báo cáo là có thể ngăn ngừa MIS-C ở trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Được biết, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy các bệnh nhân MIS-C bị bệnh nặng đều không được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Nếu con trẻ có các triệu chứng như sốt mà không rõ nguyên nhân hậu COVID-19, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ. MIS-C có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng và trẻ em phát triển tình trạng này nên được bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi khám càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bao gồm: đi tiểu thường xuyên, tăng khát, tăng đói, giảm cân, mệt mỏi, đau dạ dày và buồn nôn hoặc nôn đã được báo cáo ở một số trẻ em và thanh thiếu niên bị COVID-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia: Trong 4 đến 12 tuần đầu tiên sau khi bị bệnh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ hãy tập trung chủ yếu vào các phương pháp tiếp cận lối sống lành mạnh để giúp cải thiện các triệu chứng ở trẻ là tốt nhất. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng, bác sĩ của con bạn có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung và có thể giới thiệu đến một phòng khám chuyên khoa, đa ngành hậu COVID-19.
Cách phòng tránh hậu COVID-19 ở trẻ em
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Việc lây nhiễm biến chủng Omicron nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng. Các chuyên gia y tế cho biết, việc tăng sức đề kháng và tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn nhằm hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, nhất là những người già, có bệnh nền.
BS Mạnh Cường - chuyên khoa nhi, Bệnh viện Quân y 103 chia sẻ, tăng sức đề kháng cho trẻ chính là một chìa khóa quan trọng để chiến thắng dịch bệnh và hậu COVID-19. Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ một chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và cho bé tập luyện nhẹ nhàng thay vì nghe các thông tin không đầy đủ rồi đi mua thuốc chữa hậu COVID-19. Cụ thể, cha mẹ hãy đảm bảo cho con một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thể dục hợp lý để duy trì thể lực.
Còn PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 cho trẻ là vô cùng quan trọng.
"Trong thời gian tới đây tiêm vaccine vẫn là khuyến cáo hàng đầu. Chúng ta tập trung cho nhóm nguy cơ và nhóm yếu thế đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi. Đồng thời, cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tuân thủ 5K; khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ", PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ với báo Chính phủ.
Hiện, Bộ Y tế đã lựa chọn vaccine phòng COVID-19 Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất để tiêm cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại nước ta. Đây là vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Sắp tới, Bộ Y tế cũng làm các thủ tục để sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi. Việc hoàn thành tiêm chủng sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia học tập tại trường và các hoạt động xã hội khác. Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh viễn vì loại đồ ăn được giới trẻ cực ưa chuộng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình để có cách chữa giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia đình và mặc dù không có cách tiếp cận chung nào cho tất cả nhưng các bậc cha mẹ thành công thường có những đặc điểm chung nhất định trong việc nuôi dạy con cái.
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở trong nhà, dán mắt vào màn hình hơn là chơi bên ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù công nghệ có những ưu điểm nhưng vui chơi ngoài trời rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ.