Phù chân, bí tiểu do suy thận

Bà Nguyễn Thị Quyền (61 tuổi, Bắc Ninh) được người nhà đưa đi khám bệnh khi bà bị phù ở chân kèm theo bí tiểu. Lượng nước tiểu một ngày rất ít. Bà Quyền kể cả ngày đi tiểu 1, 2 lần kèm theo triệu chứng mệt mỏi.

Khi đi khám, bác sĩ cho biết bà Quyền bị suy thận do biến chứng từ tăng huyết áp. Sau 3 tháng điều trị suy thận không hiệu quả, bà Quyền phải chuyển sang chạy thận nhân tạo theo chu kỳ. 

Bà Quyền kể mình bị tăng huyết áp từ năm 2012. Từ đó đến nay khi nào mệt bà mới ra trạm y tế nhờ đo huyết áp và xin thuốc về uống. Hết mệt bà lại không điều trị nữa vì nghĩ huyết áp đã ổn định nên chủ quan. 

Không riêng gì bà Quyền, hàng trăm bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khi đến bệnh viện khám thận đã không còn đảm nhiệm chức năng của mình và kèm theo huyết áp cao chót vót. Nguyên nhân là do bị tăng huyết áp nhưng không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng tư vấn của bác sĩ. 

Thận và huyết áp có quan hệ mật thiết với nhau - Ảnh minh họa: Internet

Điển hình như ông Ngô Văn Lâm, Long Biên, Hà Nội mỗi tuần phải chạy thận 3 lần. Ông Lâm còn phải điều trị tăng huyết áp kèm theo. Ông Lâm không hay biết mình bị tăng huyết áp và khi có dấu hiệu của thận mãn tính vào viện điều trị mới biết huyết áp của ông rất cao. Dù được điều trị triệt để nhưng sau 2 năm thận của ông rơi vào suy thận mãn tính phải chạy thận nhân tạo theo chu kỳ.

Biến chứng suy thận do tăng huyết áp

Theo PGS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh nhân tăng huyết áp là suy thận. Tăng huyết áp dù được điều trị nhưng chưa đạt huyết áp mục tiêu vẫn có nguy cơ bị suy thận.

Khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg, bệnh nhân được coi là tăng huyết áp. Lười vận động, ăn uống không hợp lý với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá... là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của căn bệnh này.

Bởi vậy, để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này, bệnh nhân cần kiểm soát tốt huyết áp.

Tăng huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao còn gây tổn thương cầu thận, khiến thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài dẫn đến suy thận mạn. 

Trong cơ thể, thận có vai trò giữ cho huyết áp được ổn định. Khi thận bị tổn thương, khả năng điều hòa huyết áp giảm, làm cho huyết áp bị tăng cao. Với bệnh nhân suy thận, huyết áp cao lại làm cho bệnh thận trầm trọng hơn.

PGS Tuyển nhấn mạnh tăng huyết áp và suy thận là hai biến chứng có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Khi huyết áp tăng dẫn đến biến chứng suy thận và ngược lại, bởi vậy, bệnh nhân cần có biện pháp thích hợp để phòng tránh biến chứng nguy hiểm này.

Dấu hiệu của suy thận - Ảnh minh họa: Internet

Biểu hiện của biến chứng suy thận ở bệnh nhân tăng huyết áp như phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần… đó là khi suy thận ở giai đoạn nặng.

Tổn thương thận do tăng huyết áp biểu hiện dưới 3 dạng là: Albumin niệu vi thể, protein nhiều và suy thận. Vì vậy, người bệnh cao huyết áp cần tiến hành xét nghiệm để đánh giá được mức độ tổn thương thận.

Ngăn ngừa biến chứng suy thận do tăng huyết áp cách tốt nhất là khi người bệnh đã được chẩn đoán là tăng huyết áp, người bệnh bệnh cần chủ động theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà và ghi vào sổ, đồng thời nên đi khám sức khỏe định kì để kiểm tra được chức năng thận cũng như các bộ phận khác. 

Suy thận càng nặng, tỉ lệ tăng huyết áp càng cao. Tăng huyết áp gặp trong 80% các trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối, ở giai đoạn bắt đầu lọc máu. Sau khi phát hiện, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cho người bệnh. Bệnh nhân cần theo dõi huyết áp thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị để hạn chế tối đa biến chứng của tăng huyết áp đến thận cũng như ngược lại.