Phản ứng dị ứng là một chuỗi các hiện tượng phức tạp liên quan đến nhiều thành phần tế bào, các chất hóa học và các mô toàn cơ thể. Đây là một phản ứng của cơ thể chống lại những chất lạ xâm nhập, đặc biệt là qua đường hô hấp. Thực tế, dị ứng là một trong bốn hình thức của chứng quá mẫn cảm, là phản ứng không thích hợp của hệ thống miễn dịch với những chất bình thường. Nó kích hoạt quá mức các dưỡng bào (bạch cầu mast) và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến một phản ứng viêm nặng thông thường bao gồm chàm, phát ban, tiêu chảy, lên cơn hen suyễn. 

Các dị nguyên có thể xâm nhập cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như đường thở, ăn uống, qua da, niêm mạc… Mỗi người có thể bị mẫn cảm với một hoặc nhiều loại dị nguyên. 

Tác Nhân

Bụi và mốc là nguyên nhân gây các vấn đề về ho dị ứng, ngứa, viêm mũi dị ứng. Sự xâm nhập của các bụi bẩn trong không khí như bụi công nghiệp do các nhà máy sản xuất, bụi phấn viết bảng, bụi phấn hoa bay vào nhà, khói thuốc lá...

Dị ứng do thời tiết: Rối loạn hệ miễn dịch là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết với các triệu chứng như da ửng đỏ kèm theo ngứa dai dẳng, có dấu hiệu mề đay trên da, nổi những mụn nước nhỏ li ti (thường xuất hiện ở chân, tay, sau đó có thể lan sang các bộ phận khác)...

Ảnh minh họa: Internet

Một nguyên nhân nữa khiến cho dị ứng tấn công cơ thể bạn trong những ngày hè đến từ chế độ ăn uống. Hoạt động vui chơi, giải trí trong những ngày này cũng là lúc bạn thả ga tận hưởng mọi loại đồ ăn, thức uống. Việc sử dụng quá nhiều thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm hay những thực phẩm quá ngọt, giàu năng lượng… khiến năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng quá trình chuyển hóa cơ bản nên tăng sinh nhiệt, tăng độc tố trong cơ thể trong cơ thể. Và hậu quả cơ thể phản ứng lại bằng cách nổi mụn nhọt, mẩn ngứa.

Cách phòng tránh

Tăng cường các thực phẩm giải nhiệt

Ngoài việc xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh với đủ các dưỡng chất cần thiết để đảm bảo sức khỏe, bạn cũng cần tăng cường các thực phẩm có tính giải nhiệt như đậu phụ, mướp đắng (khổ qua), củ cải, bí đao, cà chua, dừa, chanh,… và các loại hoa quả để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Thay đổi thói quen ăn uống, năng tập luyện và duy trì lối sống sạch sẽ, khoa học

Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, về chế độ ăn uống, cần tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách nạp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng như tăng cường protein từ trứng, tôm, các loại cá, thịt bò, thịt lợn...;  bổ sung các vitamin và khoáng chất từ rau quả như rau cải xanh, súp lơ, rau dền, rau ngót...; nên uống các loại nước trái cây như táo, lê, đào, cam, bưởi và luôn đảm bảo uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước/người/ngày. Ngoài ra, nên bổ sung acid folic có trong bánh mỳ và đậu có chứa acid folic - đó là 2 nguồn dinh dưỡng quan trọng có thể giúp cơ thể chống dị ứng; nên tránh một số gia vị như mù tạt, ớt cay có thể gây kích thích niêm mạc mũi...

Tránh ăn những thức ăn đã từng làm cho bạn bị dị ứng

Dù biểu hiện của dị ứng là rất nhẹ. Trước khi quyết định mua một loại thực phẩm nào đó, bạn phải đọc nhãn mác và lưu ý một số từ ngữ không thông dụng sử dụng trên nhãn mác, bao bì sản phẩm như albumin (một thành phần của chất đạm trứng) hoặc casein (đạm sữa).

Đến cơ sở y tế gần nhất khi các bệnh dị ứng có dấu hiệu xấu đi

Khi phản ứng dị ứng xảy ra nhanh và có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể cũng như môi trường xung quanh

Vệ sinh nhà cửa phòng ngủ sạch sẽ. Những người dễ bị dị ứng với bụi phấn hoa nên gội đầu thường xuyên để làm sạch phấn hoa bám trên tóc hoặc rơi trên gối, áo quần, đồng thời hạn chế đến các vườn hoa là nơi dễ phát tán nhiều bụi phấn, bào tử.

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, trong những lúc thời tiết nắng nóng như thế này, có thể sẽ xuất hiện nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cần phòng tránh như:

Bệnh tim mạch

Nắng nóng gay gắt thường không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ. Đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Những người có bệnh tim phải sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết, hạn chế vận động khi trời nóng, mang mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ và nên uống nhiều nước. Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với người bị chứng co thắt mạch.

Hầu hết bệnh mùa nóng thường không đáng sợ nhưng nếu người bệnh chủ quan, không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì thế người dân cần hết sức lưu ý theo dõi sức khỏe của bản thân mình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Nhiễm các bệnh do siêu vi

Thời tiết nắng nóng thường kèm theo việc chuyển mưa, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm do siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản,… phát triển.

Cần dọn dẹp, phát quang bụi rậm, xử lý các vùng nước đọng hoặc nơi chứa nước phải đảm bảo không để cho lăng quăng phát triển. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, tập thể dục vừa phải, ngủ đủ giấc giữ sức đề kháng tốt cho cơ thể để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.