Những biến thể phụ lây lan nhanh nào đã xuất hiện khiến ca COVID-19 ở nước ta gia tăng?
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh. Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua, cả nước có 14.490 ca mắc COVID-19 mới, trong đó ngày đỉnh điểm số ca mắc lên đến gần 3.000, cao nhất trong hơn 3 tháng qua ở nước ta. Cùng đó, số bệnh nhân nặng cũng gia tăng theo, hiện trung bình khoảng 100 trường hợp đang điều trị.
Bộ Y tế cho biết tại các tỉnh phía Nam các biến thể phụ BA.4, BA.5 đã bắt đầu chiếm ưu thế. Biến thể này đã ghi nhận tại TP HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre... và một số tỉnh, thành khác ở phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Cao Bằng và Nghệ An...
Tại TP HCM thông qua khảo sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trong tuần cuối tháng 7 cho thấy, số ca nhiễm biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 80% tổng số ca bệnh. Các biến thể khác như BA.2, BA.4, BA.2.12.1 chiếm tỷ lệ nhỏ.
Trước đó, đại diện Viện Pasteur TP HCM cũng cho biết, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gen thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1. "Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5"- PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết.
Theo chuyên gia, hiện nay biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2 . Theo y văn thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch.
Việc tăng tỷ lệ nhiễm BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 đi kèm với tăng mắc mới. Ở một số quốc gia, sự gia tăng ca bệnh cũng dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện, nhập ICU và tử vong. BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron.
BA.4/BA.5 có hiệu giá kháng thể trung hòa thấp hơn khoảng 7,5 lần so với BA.1. BA.4/BA.5 có khả năng kháng với kháng thể vaccine cao gấp 3-4 lần so với các biến thể cũ của Omicron. BA.2.12.1 tăng 1.8 lần khả năng kháng với kháng thể tạo ra từ vaccine so với BA.2.
Mới đây nhất, Cục Y tế dự phòng cho biết, biến thể BA.2.75 cũng đã xâm nhập vào Việt Nam.
Mặc dù vẫn chưa chắc chắn về mức độ lây nhiễm, tỉ lệ nhập viện hoặc khả năng né miễn dịch, các chuyên gia vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về độc lực của biến thể này.
Biến thể BA.2.75 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng Năm và từ đó đã lan rộng ra 16 quốc gia. Theo một nghiên cứu từ Đại học Bang Arkansas của Mỹ, tỷ lệ lây nhiễm do biến thể mới này ở Ấn Độ trong 3 tháng qua cao hơn 3,2 lần so với BA.5.
Các nhà nghiên cứu quốc tế cũng cho biết dòng phụ mới này của Omicron có nhiều đột biến hơn BA.5, do đó, mức độ né tránh vaccine cũng sẽ cao hơn.
TS Eric Topol - người sáng lập và giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở Mỹ - giải thích rằng, biến thể BA.2.75 sở hữu thêm 8 đột biến so với chủng BA.5, do đó có thể né miễn dịch mạnh hơn.
Tom Peacock - nhà virus học tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm, Đại học Hoàng gia London - cũng cho hay, protein gai trong BA.2.75 có một số đột biến chính, đáng chú ý là khả năng tăng trưởng nhanh và lây lan rộng rãi theo địa lý.
Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 15/8 đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:
Thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tinh hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch.
Tiếp tục thực hiện khai báo lấy mã số bệnh nhân trên hệ thống cấp mã số tự động của Bộ Y tế ngay sau khi có kết quả xét nghiệm phát hiện trường hợp mắc COVID-19.
Chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán, đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để kịp thời để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....