Hạt lạc (đậu phộng) bao gồm cả vỏ lụa được Đông y xem là vị thuốc quý bởi có tác dụng bổ máu, thúc đẩy quá trình đông máu vô cùng hiệu quả. Đây là thực phẩm rất tốt cho những người bị chứng thiếu máu và đang trong giai đoạn dưỡng thương.

Giá trị dinh dưỡng của lạc và tác dụng chữa bệnh

Lạc còn được gọi là "quả trường thọ" vì những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe. Hàm lượng chất béo chiếm 30% -39% tổng lượng dinh dưỡng, trong khi hàm lượng chất béo thực vật của ngô chỉ khoảng 4%. Bên cạnh đó, chất béo trong lạc gây ra nguy cơ béo phì không lớn, thậm chí nếu tiêu thụ một lượng thích hợp còn có tác dụng giảm béo. 

Lạc là thực phẩm thuộc nhóm chứa lượng calo cao, protein cao, nhiều chất xơ, có thể làm tăng cảm giác no, nên còn được gọi là thực phẩm chống đói. 

Theo nghiên cứu, lạc gây ra cảm giác no là do chúng chứa lượng carbohydrate cao gấp 5 lần so với các loại thực phẩm khác. Sau khi ăn lạc có thể giảm tương đối nhu cầu ăn vào đối với thực phẩm khác, làm giảm tổng số calo dung nạp vào cơ thể, từ đó đạt được hiệu quả giảm cân. 

Chất béo chứa trong lạc hầu hết là các axit béo không no, axit béo không bão hòa, axit arachidonic, có thể làm giảm lipid máu, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Khi cơ thể không thể tổng hợp các axit béo chưa no, nên chất này phải được dung nạp thông qua chế độ ăn uống. 

Ngoài ra, lạc rất giàu axit folic, chất xơ, chất arginine… có thể mang đến tác dụng trong việc bảo vệ tim mạch. Nhiều người ăn lạc có thói quen loại bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài, nhưng thực tế loại vỏ lụa có thể thúc đẩy sự hình thành tiểu cầu, đây là phần nên ăn thay vì làm sạch chúng. 

Lạc chứa vitamin K có tác dụng làm cầm máu, trong đó, lớp vỏ lụa có tác dụng cầm máu cao hơn nhân lạc tới 50 lần. Lạc còn chứa vitamin E và một lượng kẽm nhất định, có thể tăng cường trí nhớ, chống lão hóa, làm chậm quá trình thoái hóa chức năng não, dưỡng ẩm da. 

Vitamin C trong lạc có thể làm giảm cholesterol, giúp ngăn ngừa xơ cứng động mạch, cao huyết áp và bệnh mạch vành. Chất selen có trong lạc khi kết hợp với các chất khác có thể tăng cường khả năng phòng ngừa ung thư, phòng ngừa và điều trị bệnh xơ vữa động mạch, ngăn ngừa bệnh tim mạch và mạch máu não.  

 
Những bài thuốc đơn giản từ hạt lạc giữ nguyên vỏ lụa

1. Bệnh giảm bạch cầu và thiếu máu

Chuẩn bị nguyên liệu gồm hạt lạc giữ nguyên vỏ lụa 500 gram, rang chín thơm và giã nát. Dùng lượng gạo nếp khoảng 500 g rang chín, nghiền thành bột. Thêm một ít đường vừa ăn, trộn lạc và bột nếp đã thành phẩm, ăn hàng ngày theo nhu cầu.

2. Bệnh thiếu máu do quá trình sản xuất máu gặp trở ngại

Lạc nguyên vỏ lụa 10 gram, luộc chín để ăn, mỗi ngày 3 lần. Hoặc mỗi lần có thể ăn tăng lên thành 6g, ăn mỗi ngày 2 lần.

3. Bệnh viêm thận mãn tính

Hạt lạc giữ nguyên vỏ lụa, táo tàu khô, mỗi loại 40g, nấu chín cùng với nước để uống thay trà. Uống hết nước ăn luôn cả bã.

4. Bệnh viêm phế quản mãn tính

Bài thuốc này dùng cho nhóm người bị bệnh phổi hư yếu gây ho lâu ngày, phổi khô gây ho. Lạc 60g, thêm nước nấu trong 10 tiếng, lọc bỏ vỏ và nấu cô đặc cho đến khi còn khoảng 100ml, thêm đường vừa đủ ngọt, mỗi ngày ăn 2 lần.

5. Bệnh di tinh

Lạc nguyên vỏ lụa 6 gram, ninh nhừ với nước, ăn 2 lần/ngày.

6. Bệnh lá lách yếu, người gầy, chân tích khi, bắp chân sưng

Hạt lạc giữ nguyên vỏ lụa, táo tàu, đậu đỏ hạt nhỏ, hạt bo bo, mỗi loại 40g, tỏi 20g, nấu với nước, chia thành 2 bữa, ăn ngày 2 lần. Lạc đỏ nấu theo cách này có rất nhiều vitamin B1.

7. Bệnh nứt nẻ da do lạnh

Rang vàng 150g lạc nguyên vỏ lụa, giã nát, thêm 300ml giấm, trộn thành bột nhão, khi sử dụng trộn thêm 10 g viên long não. Đắp hỗn hợp này nên vùng da bị nứt nẻ, dùng vải sạch bọc kín, mỗi đợt dùng khoảng 2-3 ngày là bệnh tình sẽ đỡ.

8. Giúp mọc tóc, làm đen tóc

Dùng 15 gam hạt lạc nguyên vỏ lụa, hà thủ ô 20 g, táo tàu 10 quả cho vào nồi. Thêm một lượng nước nhỏ nấu lửa nhỏ khoảng 30 phút, sau đó thêm vào một chút đường nâu là được.

Mỗi ngày uống 3 lần, ăn cả bã táo tàu. Bài thuốc này có thể có tác dụng trong việc bổ máu, thích hợp cho người có cơ thể suy nhược.

 
Lưu ý:

Những người mắc bệnh huyết khối, có cục máu đông thì không nên ăn lạc còn vỏ lụa vì chúng có thể gây ra chứng huyết khối nặng hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Người bị thiếu máu hoặc có các triệu chứng bệnh kể trên, nếu mắc thêm bệnh huyết khối (có cục máu đông) thì không nên áp dụng các bài thuốc này, đặc biệt là người cao tuổi dễ mắc các bệnh về huyết khối.