Sau sự việc đau lòng một học sinh trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) qua đời do cây phượng bật gốc đè trúng ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương, nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn trường học.

Các Sở GD&ĐT trên cả nước cần chỉ đạo ngay các nhà trường khẩn trương liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. 

Đến nay 2/6, nhiều tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Đắk Lắk, Gia Lai, TP.HCM, Đà Nẵng… quyết liệt triển khai việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và cắt tỉa cây xanh.

Tuy nhiên không ít trường học thay vì cắt tỉa lại đốn hạ toàn bộ cây phượng đang có, khiến sân trường trở lên trống vắng, thiếu đi những bóng cây gắn liền với tuổi học trò.

Cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh cây xanh trường học bị cắt bỏ đến trơ trụi.

Cây bị cắt tỉa đến mức trơ trụi.


Hình ảnh cây phượng của trường THCS Trần Phú bị "niêm phong" khiến nhiều người xót xa. (Ảnh: MXH)

Việc nhiều trường quá cứng nhắc khi rà soát cắt tỉa, đốn hạ cây xanh khiến cộng đồng mạng xót xa. Tài khoản facebook Lê Hoài Thương viết: “Các cấp lãnh đạo nên có hướng bảo tồn và lưu giữ lại những cây cổ thụ, cây nào yếu hãy chặt thay vì đốn hạ một cách vô tội vạ, mặc định cứ to là chặt. Cây phượng không có lỗi, xin đừng đổ lỗi cho cái cây”.

Bạn Linh Bùi lo lắng, sau cuộc thanh trừng này, vài năm nữa học sinh không còn biết cây phượng ra sao. Nếu cô giáo giao đề bài tập làm văn về cây phượng thì học sinh chỉ có thể lên mạng tìm hình ảnh.

Anh Nguyễn Tân Ngọc đề xuất thay vì các trường chặt hạ toàn bộ cây xanh thì nên có biện pháp chống đỡ, kiềng sắt để bảo vệ cây. Trồng một cây xanh cao lớn, tán cây mát rộng sẽ mất từ 5 đến 10 năm trở lên, không phải chuyện một sớm một chiều nói chặt là chặt tất.

"Lỗi tại cây phượng hay sao lại đi cắt bỏ nó trơ trụi như vậy, trường học sẽ còn gì là trường học nếu không rợp bóng mát cây xanh. Có phải chúng ta quá cứng nhắc khi một vài cây đổ lại đi đón hạ tất cả các cây còn lại. Tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất, nhưng cũng đừng quá cứng nhắc. Nhất là khi cây phượng vốn là biểu tượng về tuổi học trò tràn đầy kỉ niệm", tài khoản facebook Nguyễn Loan viết.

Trong khi đó chị Lê Hoàng Phương lại ủng hộ việc các trường kiểm tra kỹ lưỡng, cắt tỉa hoặc cần thiết là chặt cây cổ thụ già cỗi, đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh. Chúng ta cần tính toàn đến phương án thay thế cây xanh trong học đường bằng những loại cây có bộ rễ vững chắc hơn.

 

Những chia sẻ của cộng đồng mạng.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, hiện nay phần lớn các trường đều ưa chuộng trồng những cây cao lớn, tán lá rộng như cây phượng, bàng, xà cừ, sấu… để che nắng, tạo khoảng không gian mát mẻ cho học sinh vui chơi. Tuy nhiên rất khó để phát hiện cây già cỗi, dễ đổ gãy bất cứ khi nào.

“Học đường là môi trường đặc thù, không điều gì có thể coi là an toàn tuyệt đối. Do đó, việc kiểm tra, rà soát phải thường xuyên, liên tục từ 2-3 tháng/lần, không phải cứ sau mỗi lần xảy ra vụ việc thương tâm là chúng ta ồ ạt đi xử lý, khắc phục", cô nói.

Tương tự, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: "Khi xảy ra tai nạn thương tích do cây đổ trong trường, lỗi trước hết là ban lãnh đạo nhà trường. Nếu không quan tâm hệ thống cây xanh sẽ có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh của trường.

Bộ GD&ĐT cần có quy định những loại cây xanh được trồng trong phạm vi nhà trường. Nên là những loại cây phù hợp với cảnh quan nhà trường, quan trọng nhất là an toàn, có bóng mát, gắn với tuổi học trò…" - thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ thêm.

Theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), nhà trường nếu phát hiện cây xanh thiếu an toàn có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý, tránh những tai nạn có thể xảy ra. Do đó, trước tiên cần gắn trách nhiệm với nhà trường. Nhà trường cũng cần đưa ra những cảnh báo tại những nơi được đánh giá là nguy hiểm.