Nhiều phụ huynh ở TP.HCM chấp nhận tạm nghỉ việc để trông con
Nhận được thông báo đi làm trực tiếp trở lại, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương (quận 3) khấp khởi trong lòng. Nhưng sực nhớ nỗi lo con nhỏ lớp 2 phải học online thế nào, gửi cho ai, cơm nước ra sao khiến vợ chồng anh đau đầu.
Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, tìm người trông con để phụ huynh yên tâm đi làm là điều không dễ.
Phụ huynh đi làm, con không có máy móc để học online
Ngày 11/10 phải đi làm lại nhưng đến nay anh Phương vẫn chưa chốt được phương án gửi con cho ai khi hai bên nội, ngoại đều ở quê. Lúc này, cho con về quê, anh cũng không thật sự yên tâm vì tình hình dịch bệnh ở các tỉnh căng thẳng.
Thời gian làm việc tại nhà vừa qua, anh chị tranh thủ cho con học trên máy tính hoặc điện thoại của mình. Khi hai vợ chồng đều đi làm, mang theo máy tính, điện thoại, con gái sẽ không có thiết bị học online.
"Mình nghĩ có thể gửi ở nhà họ hàng tạm một thời gian, chờ trường học mở cửa trở lại, tuy nhiên con không có máy móc học online. Mình có hỏi cô giáo chủ nhiệm, trường hợp phụ huynh đi làm, con không có máy móc học online thì có tính là nghỉ học không nhưng cô cũng chưa trả lời được", anh Phương kể.
Nam phụ huynh mong nhà trường có thể linh hoạt, chuyển giờ dạy sang buổi tối để các con có điều kiện học online tốt hơn khi phụ huynh phải đi làm trở lại. Anh cho rằng vấn đề không chỉ là thiết bị học tập. Đối với học sinh tiểu học, việc học online rất cần có phụ huynh kèm cặp, buổi tối sẽ là thời gian hợp lý.
"Thời điểm này mình vẫn ủng hộ việc cho các con học online. Nếu trường học có mở cửa, mình cũng không dám cho con đến trường. Nhưng các trường có thể chuyển đổi giờ dạy online sang buổi tối để thích ứng với tình hình sắp tới phụ huynh phải đi làm lại", anh Phương đề xuất.
Chưa có thông báo chính thức từ công ty, chị Thiên Ý (quận Bình Thạnh) có con học lớp 3 và một bé 4 tuổi đang lo lắng không biết sắp tới gửi con cho ai trông nom khi đi làm trở lại.
"Hiện tại chồng mình đã đi làm trở lại, chỉ còn mình ở nhà vừa làm việc online, vừa trông 2 con. Sắp tới công ty mình thông báo đi làm trở lại, không biết tính đường nào cho hai đứa nhỏ", chị lo lắng.
Nữ phụ huynh cho biết trẻ nhỏ học online hiệu quả kém, phụ huynh phải ngồi cạnh để thao tác trên máy tính, nghe cô giảng rồi giảng lại cho con. Nếu không có người ngồi cạnh kèm, chị lo con sẽ không theo kịp nội dung lớp học.
"Vợ chồng mình tính thuê cô giúp việc để trông con, dù tốn kém nhưng không còn cách nào khác. Trong thời gian dịch bệnh, việc tìm người giúp việc cũng không dễ. Họ cũng lo ngại, không biết gia đình mình có ai mắc bệnh hay không", chị Ý nói.
Chấp nhận tạm nghỉ việc
Chị Phạm Thị Thúy (TP Thủ Đức) có con học lớp 1 cho biết từ hôm 1/10 đến nay chị đau đầu tìm phương án cho con ở nhà học online thế nào khi hai vợ chồng đều sắp đi làm lại.
Công ty của chị và chồng đều thông báo ngày 11/10 phải lên văn phòng làm trực tiếp. Trong khi con học lớp 1 vẫn phải online. Không ở cùng ông bà nên nhà không có ai trông con ngoài hai vợ chồng.
Đã tính đến phương án "nhốt" con ở nhà một mình rồi trưa tranh thủ chạy về cho con ăn uống nhưng nữ phụ huynh cũng nhanh chóng bác bỏ. Chị không an tâm khi để con nhỏ ở nhà một mình loay hoay với ổ điện, thiết bị điện tử. Chị dẫn trường hợp một học sinh ở Hà Nội tử vong khi lấy kéo chọc vào ổ điện để nói về mối nguy hiểm khi phụ huynh không ở cạnh con nhỏ.
"Thời điểm này gửi hàng xóm hay người quen mình đều rất ái ngại vì ở đâu cũng có nguy cơ lây nhiễm. Tâm lý người nhận gửi cũng vậy, họ cũng muốn an toàn cho gia đình. Mình đang cố gắng xin phép công ty cho tiếp tục làm việc tại nhà. Nếu không được, cùng lắm mình hoặc chồng sẽ xin nghỉ việc không lương để ở nhà trông con", chị Thúy đưa ra phương án.
Chấp nhận nghỉ việc không lương một thời gian cũng là phương án tệ nhất chị Hoàng Thị Hương (quận 12) tính đến. Chị Hương có hai con, con trai lớn đang học lớp 3, con út mới 3 tuổi.
Chị và chồng làm việc cùng công ty, liên quan đến khâu bán hàng và giám sát bán hàng. Khi thành phố nới lỏng giãn cách, ngay lập tức, công ty thông báo nhân viên phải quay lại cơ sở để làm việc. Từ ngày 1/10 đến nay chị phải gửi hai con ở nhà người thân.
"Nhưng đến nay, người thân cũng sắp đi làm lại, họ cũng có con nhỏ, thêm hai con của mình nữa thì trông không xuể. Hơn nữa, công việc của mình và chồng phải đi lại nhiều cửa hàng, tiếp xúc với nhiều người nên họ cũng ái ngại khi mình gửi con", nữ phụ huynh cho biết.
Mới trở lại làm việc được hơn một tháng sau thời gian nghỉ không lương, chị Hương không muốn nghỉ việc vào lúc này. Chị cũng đã nghĩ tới việc gửi con về nhà ngoại ở Long An.
"Nhưng ở quê, tình hình dịch cũng đang rất căng thẳng. Hàng xóm đã có nhiều gia đình mắc Covid-19 nên mình cũng không thể đưa con về. Nghĩa đi nghĩ lại chỉ còn cách cố gắng thêm một vài ngày, hai vợ chồng tính ai lương thấp hơn thì người đó nghỉ việc để trông con", chị Hương kể.
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...
Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện
Huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại sau khi phát hiện nhiều con chó cắn...