Nhiều nơi phát hiện biến thể mới, số mắc và tử vong do COVID-19 tăng nhanh
Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới.
Nhiều biến thể mới, bệnh nhân nặng và tử vong tăng
Hiện nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ em, còn thấp.
Dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường, tuy nhiên theo Bộ Y tế, số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng.
Trong hơn 10 ngày qua, có trên 33.000 ca nhiễm được báo cáo (ngày 7-9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua), cùng đó số bệnh nhân nặng cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây, có ngày lên đến gần 200 ca, trong khi ở thời điểm tháng 6-7, số bệnh nhân nặng nhiều ngày dưới 20 ca. Cùng với đó, trong hơn 1 tháng qua, số tử vong do COVID-19 liên tục tăng, có ngày cả nước ghi nhận tới 5 bệnh nhân tử vong.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch COVID-19 đang gia tăng trở lại. "Số ca mắc được công bố mỗi ngày chưa phải là con số thực tế bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm hoặc một số trường hợp xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế. Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, có nhiều bệnh nhân nặng, phải thở máy. Đấy là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại"- ông Trần Đắc Phu nhận định.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng thời gian qua, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch Covid-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác. "Có những bệnh như sởi, miễn dịch suốt đời, chỉ một lần mắc sởi là không bao giờ mắc lại. Nhưng với COVID-19 sau lần mắc đầu tiên một thời gian miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2. Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm sẽ hết trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm bổ sung các mũi nhắc lại"- ông Trần Đắc Phu lưu ý.
Lập Tổ công tác đặc biệt vận động người dân tiêm vắc-xin
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và chiến lược tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng.
"Để tiếp tục đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + Vắc-xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) đồng thời chỉ đạo quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại"- bà Hương nói.
Mới đây, tại văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc, Bộ Y tế yêu cầu triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại.
TS Shane Fairlie, huyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Do đó, tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tập trung triển khai các nhiệm vụ như quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về tăng cường công tác tiêm vắc-xin COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh đậu mùa khác.
Khẳng định vắc-xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chỉ đạo thành lập các Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc vận động và rà soát đối tượng tiêm chủng.
Tăng cường tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tại nhà, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỉ lệ tiêm thấp, tổ chức "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để vận động tiêm vắc-xin và phòng, chống dịch...
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới COVID-19; thường xuyên đánh giá, phân tích hình dạng và yếu tố rủi ro; chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch ứng phó và thực hiện ứng phó với mọi tình huống của dịch...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....