Ông Trần Ngọc Lũy (47 tuổi, trú Bình Chánh) vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chăm sóc con gái 21 tuổi điều trị sốt xuất huyết. Gương mặt người đàn ông thể hiện rõ sự lo lắng sau khi nghe tin con có dấu hiệu chuyển nặng.

Bệnh nặng mới nhập viện

Ông Lũy cho biết trước đó, con gái cảm thấy nóng, lạnh thất thường kèm đau đầu, được đưa đến bệnh viện ở Bình Chánh và chẩn đoán sốt xuất huyết.

Sau 3 ngày chăm sóc tại nhà, cô gái này vẫn đi làm bình thường nhưng gọi về than đau đầu, chóng mặt. Bác sĩ xét nghiệm máu cho thấy giảm tiểu cầu. Nhập viện đến ngày thứ 5, bệnh nhân được đề nghị chuyển viện do khó thở.

Cô gái 21 tuổi có thể trạng béo phì, được chuyển đến trong tình trạng giảm tiểu cầu, khó thở, lừ đừ và mệt mỏi. Ngày thứ 6 nằm viện, sức khỏe bệnh nhân ổn định hơn, vùng da ở chân chuyển sang giai đoạn phát ban sốt xuất huyết.

Các phòng điều trị nội trú tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, luôn trong tình trạng đông đúc bệnh nhân. Ảnh: Duy Hiệu.

Nằm cùng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với con gái ông Lũy, Khánh Vy (16 tuổi) cũng nhập viện vì sốt xuất huyết. Trước khi nhập viện, Vy thăm khám ở nhiều phòng khám tư và được chẩn đoán đau dạ dày. Sau nhiều ngày vẫn mệt mỏi, đau dạ dày không thuyên giảm, cô tiếp tục kiểm tra ở phòng khám tư và được khuyên nhập viện.

Đến nay, tình trạng sức khỏe của Khánh Vy đã cải thiện đáng kể. Cô chia sẻ kinh nghiệm điều trị là nên ăn đầy đủ, uống nước nhiều thì sức khỏe sẽ dần hồi phục.

Nằm cạnh giường với Khánh Vy, Nguyễn Thị Thúy (35 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) sốt cao khoảng 39-40 độ C liên tục 3 ngày, cả người mệt mỏi. Cô đến phòng khám tư ở Bình Chánh được chẩn đoán sốt xuất huyết, uống thuốc và truyền dịch vài ngày không khỏi.

Gia đình có 2 trẻ nhỏ nhưng may mắn không bị mắc bệnh. Nhận thấy sức khỏe đã ổn định hơn nên người phụ nữ này không cần người nhà theo chăm sóc. "Tôi chưa xuất viện được do bạch cầu giảm nhiều nhưng sức khỏe đã tốt hơn so với thời điểm mới nhập viện", chị Thúy nói.

Chị Thúy mệt mỏi vì liên tục truyền nước do mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Duy Hiệu.

Sở Y tế TP.HCM cho biết báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXH-D) của thành phố, các ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng, trong đó có 626 trường hợp đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp SXH-D nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.

Không chủ quan người lớn không bị sốt xuất huyết

Theo số liệu báo cáo của HCDC, trong tuần vừa qua TP.HCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca), số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%.

Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết ở người lớn hiện chiếm hơn 50%. Trong khi đó, những năm trước đó số trẻ em mắc sốt xuất huyết luôn nhiều hơn so với người lớn. Cụ thể, ngày 24/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho 373 trường hợp SXH-D, trong đó 264 người lớn và 109 trẻ em.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, thông thường, chu kỳ 3-4 năm sẽ có đợt bùng phát dịch. Từ 2019 đến 2022 là hơn 3 năm, chúng ta có thêm 2 năm dịch Covid-19 nên tâm lý lơ là, quên mất việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta thấy số ca mắc bệnh tăng vọt lên. Bệnh nhân tử vong cũng tăng nhiều.

"Những năm gần đây, sốt xuất huyết có khuynh hướng chuyển dịch tỷ lệ mắc từ trẻ em sang người lớn, trẻ lớn. Trong đó, tỷ lệ người lớn bị sốt xuất huyết khá cao, thậm chí chuyển biến nặng. Do đó, chúng ta không nên chủ quan rằng người lớn không bị muỗi cắn, không bị sốt xuất huyết. Muỗi vằn bay xung quanh ở khắp nơi, thường đốt vào ban ngày, sinh sản nhanh trong mùa mưa. Vì vậy, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh và bị nặng", bác sĩ Khanh nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường, Phó khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết đa số người lớn mắc sốt xuất huyết đều có tình trạng chung là sốt cao không hạ, nôn, mệt mỏi, đau bụng, hạ huyết áp, máu cô đặc...

Một số trường hợp phát ban dưới da hoặc xuất huyết trong, xuất huyết ngoài như chảy máu răng, xuất huyết âm đạo ở nữ và tiểu ra máu ở nam. Đa phần người có biểu hiện sốt xuất huyết thường chủ quan, đến phòng khám tư nhân để khám và truyền dịch, đến khi tình trạng chuyển nặng mới nhập viện.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 29/6, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đã lên đến 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.688 ca). Ảnh: Duy Hiệu.

Bác sĩ Khanh cho hay hai trường hợp có nguy cơ chuyển biến nặng là trẻ nhỏ (nhũ nhi) và trẻ thừa cân, béo phì.

Với trẻ nhũ nhi, mắc sốt xuất huyết, diễn biến thường khá phức tạp và khó đoán do khả năng đánh giá huyết áp, triệu chứng khó nhận biết. Trẻ không nói được nên biểu hiện như đau mệt, mệt mỏi không xác định được.

Nhóm thừa cân, béo phì thường khó điều trị, nguy cơ chuyển biến nặng rất cao. Không riêng gì sốt xuất huyết, hầu hết người có thể trạng thừa cân, béo phì thường có khả năng chuyển nặng cao hơn khi mắc bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể được theo dõi, điều trị tại nhà. Một số trường hợp được chỉ định nhập viện khi có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng hoặc thể trạng quá mệt mỏi, lừ đừ, sốt quá cao.

Ngoài ra, có những người xa trung tâm thành phố, điều kiện tái khám khó khăn hay cơ địa phức tạp cũng được chỉ định nhập viện.

"Sốt trong sốt xuất huyết không tương đương với bệnh nặng. Trong khi sốt xuất huyết, người bệnh hết sốt vẫn có thể bệnh nặng. Một số trường hợp vẫn tỉnh táo, không sốt nhưng thực tế đang chuyển nặng. Do đó, gia đình cần tiếp tục theo dõi, chờ đợi hết ngày thứ 5, 6 để đánh giá tình trạng. Lúc đó, chúng ta mới có thể yên tâm", bác sĩ Khanh khuyến cáo.