Nhiều dịch vụ y tế sẽ giảm giá trong tháng 5
Đưa về giá đúng, đủ
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dự kiến trong tháng 5 tới, có 40 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Đây là các nhóm dịch vụ được sử dụng với tần suất nhiều, thường gặp như: Giá khám chữa bệnh, giá giường bệnh, giá dịch vụ X.quang, siêu âm thường, CT, chụp cộng hưởng từ MRI, nội soi tai mũi họng, dịch vụ điều trị y học cổ truyền…
"Hiện nay Việt Nam có tới 18.000 dịch vụ y tế, mỗi dịch vụ được ban hành một giá riêng, trong khi các nước khác trên thế giới chỉ có 2.000-3.000 dịch vụ, cùng lắm là 6.000-7.000. Điều này gây khó khăn cho việc thanh toán và giám định BHYT của cả các bệnh viện và BHXH. Theo lộ trình, đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện lại danh mục giá dịch vụ y tế, giảm xuống còn 3.000-4000 dịch vụ”.
Bộ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Thị Kim Tiến
Theo đó, tiền khám bệnh ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng 1 giảm từ 39.000 đồng xuống 35.000 đồng/lượt khám, BV hạng 2 từ 35.000 đồng xuống 29.000 đồng, BV hạng 3 từ 31.000 đồng xuống 23.000 đồng, BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng xuống 20.000 đồng.
Các dịch vụ nội soi tai mũi họng giảm từ 202.000 đồng xuống 135.000 đồng/lượt, siêu âm giảm từ 49.000 đồng xuống 39.500 đồng, chụp X.quang số hóa 1 phim từ 69.000 đồng xuống 62.900 đồng, chụp CT Scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang từ 536.000 xuống 520.900 đồng, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2.336.000 đồng xuống 2.279.000 đồng…
Đặc biệt, một số dịch vụ y tế giảm giá rất mạnh như: Siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp xe giảm rất mạnh từ 2.058.000 đồng xuống 599.100 đồng, phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện giảm từ 3.679.000 xuống 1.603.000 đồng.
Cùng với đó, một số dịch vụ y học cổ truyền như các phương pháp châm giảm từ 81.800 đồng xuống 75.200 đồng, hồng ngoại giảm từ 41.100 đồng xuống 38.200 đồng, laser châm giảm từ 78.500 đồng xuống 33.000 đồng, xoa bóp cục bộ bằng tay giảm 59.500 đồng xuống 43.100 đồng, xoa bóp toàn thân từ 87.000 đồng giảm xuống 49.500 đồng…
Lý giải về việc một số dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng - giảm, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, giá dịch vụ y tế quy định trong Thông tư 37, ban hành năm 2015, tuy nhiên, nhiều dịch vụ được xây dựng giá theo Thông tư 12 (từ năm 2011). Do đó, nhiều giá vật tư, giá điện, nước, giá lương đều đã tăng lên nhiều, Bộ Y tế cần xây dựng lại giá cho đúng với giá thị trường.
Về việc điều chỉnh giá, đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, thời gian qua, có nhiều BV vẫn quá tải, đặc biệt BV tuyến huyện tăng cao do thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh. Việc duy trì 1 bàn khám chỉ có 35 bệnh nhân/ngày không thực hiện được, vì vậy, một số dịch vụ sẽ điều chỉnh giảm cho hợp lý.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có ý kiến về việc nhiều cơ sở y tế có số lượng bệnh nhân /bàn khám vượt quá quy định của Bộ Y tế, có nơi lên đến 100-180 bệnh nhân/bàn khám. Một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch, số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cũng cao hơn định mức tính giá. Như vậy, nếu các BV này vẫn tính giá dịch vụ như quy định là không hợp lý. BHXH Việt Nam cho rằng, các đơn vị này chỉ định người bệnh điều trị nội trú, sử dụng dịch vụ bất hợp lý, coi đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên bội chi quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ bằng 70-80% mức giá hiện nay.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế ngày 9.4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế mở rộng đấu thầu tập trung thuốc và vật tư y tế. Theo ông, rất vô lý khi cùng một stent động mạch vành nhưng giữa các tỉnh lại có giá chênh hàng chục triệu, một cái kim tiêm cũng chênh hàng trăm đồng.
Ông Lê Văn Phúc – Phó ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng khẳng định, nhiều dịch vụ y tế đang được xây dựng cơ cấu giá cao hơn thực tế. Cụ thể như giá giường bệnh hiện đang tính giá “1 bác sĩ, 3 điều dưỡng” nhưng thực tế nhiều BV không đảm bảo số lượng này. Hoặc phòng cấp cứu, hồi sức đều dùng điều hòa, không có màn nhưng giá giường vẫn xây dựng có chi phí “màn”. Giá giường ở BV hạng 2 đều xây dựng giá “có điều hòa” nhưng một số nơi cũng không có điều hòa. Hoặc các dịch vụ của khoa Tai mũi họng khi xây dựng bảng giá đều tính giá có máy móc hàng trăm triệu đồng nhưng thực tế khám bằng các máy chỉ vài chục triệu…
Có nhiều nơi thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo định mức thời gian. Qua kiểm tra, BV Đa khoa tại TP. Vinh (Nghệ An) thực hiện 62 ca nội soi tai mũi họng/ngày, 163 ca siêu âm/ngày, mỗi ca chỉ thực hiện 3-5 phút trong khi định mức ca nội soi là 15 phút. Còn BV Thái Thượng Hoàng (Nghệ An) thực hiện hàn composite cổ răng 24 răng/lần điều trị, bình quân chỉ 5 phút/răng (định mức quy định là 30 phút). BV Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La thực hiện bó farafin chỉ 10 phút/lần, 2 lần/ngày trong khi quy định là 20 phút/lần, 1 lần/ngày…
“Thực hiện dịch vụ không đúng quy định, rút ngắn thời gian mà lại thu tiền “đúng cơ cấu giá” là không thể chấp nhận được. Đó là chưa kể đến việc chất lượng dịch vụ khó đảm bảo” – ông Phúc nói.
Theo ông Liên, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ khảo sát lại giá theo hướng tính đúng, tính đủ với giá thị trường và điều chỉnh dịch vụ nào chưa hợp lý. Cái nào phải tăng sẽ tăng, cái nào phải giảm sẽ giảm. Trước mắt trong tháng 5 sẽ điều chỉnh giá khoảng 40 dịch vụ y tế.
Giá vật tư y tế chênh lệch quá lớn
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề xuất 6 nhóm thiết bị y tế cần được tổ chức đấu thầu tập trung trong thời gian tới như: Các nhóm thủy tinh thể nhân tạo, stent, khớp và ổ khớp nhân tạo, kim luồn tĩnh mạch các loại, nẹp vít và ốc vít.
Theo ông Sơn, cần tổ chức đấu thầu tập trung, vì đây là những vật tư y tế thường được sử dụng, chi phí lớn và có sự chênh lệch giá khá lớn giữa các BV, các tỉnh. Cụ thể, năm 2017, quỹ BHYT chi trả gần 30.000 stent, trị giá trên 1.100 tỷ đồng, trong khi giá cả mỗi nơi mỗi khác (tại Thanh Hóa là 58 triệu đồng/cái, Đồng Nai 38 triệu/cái, còn Bắc Giang chỉ có 29 triệu/cái cùng loại xuất xứ từ Đức). Hay với khớp và ổ khớp nhân tạo, ở Phú Thọ là 58 triệu đồng/ổ khớp, còn Thanh Hóa chỉ có 38 triệu đồng/ổ khớp nhân tạo…
Chỉ tính hai tháng đầu năm 2018, quỹ BHYT đã chi trả 3.572 stent động mạch vành với chi phí 124 tỷ đồng, mức giá dao động từ 12-60 triệu đồng/stent cùng loại, cùng xuất xứ.
Thủy tinh thể cũng là vật tư y tế thường được sử dụng với chi phí rất lớn. Năm 2017, quỹ BHYT thanh toán gần 300.000 thủy tinh thể với giá trị gần 900 tỷ đồng. Mức giá dao động giữa các cơ sở y tế rất lớn. Hay nhỏ như cái kim luồn nhưng giá chênh lệch cũng rất lớn. Cụ thể như kim luồn tĩnh mạch trẻ em cùng hãng Deltamed của Ý nhưng ở Hòa Bình là 24.800 đồng/cái, ở Hải Dương có 12.495 đồng/cái; kim luồn Vasofix safely của hãng B.Braun (Malaysia) ở Quảng Ninh là 20.700 đồng/cái, ở An Giang có giá 14.799 đồng/cái.
“Nếu như đấu thầu tập trung với các nhóm vật tư y tế nói trên, tôi tin, giá thành sẽ giảm nhiều và thống nhất một giá, vừa tiết kiệm cho ngân sách, cho túi tiền của người dân, đồng thời tạo sự công bằng giữa các vùng, miền” – ông Sơn khẳng định.
Khoảng 15 bệnh viện tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh
5 bệnh viện hạng đặc biệt và khoảng 10 bệnh viện hạng 1 điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa...
Một cơn bão di chuyển 'thần tốc' với cường độ cấp 15, giật trên cấp 17, Biển Đông sắp có...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (14/11) ở khu vực phía Đông của...
Hà Nội ô nhiễm không khí trầm trọng: Bầu trời mù đặc, nhiều nơi ở mức rất xấu
Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục,...
Bão số 8 suy yếu thành vùng áp thấp, gần Biển Đông xuất hiện thêm bão mạnh
Ngoài khơi Philippines cũng đang có hoạt động của một cơn bão khác là bão Manyi. Theo nhận định ở...