Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tối 25/6. Gia đình người bệnh cho biết sau khi bị đốt, dù đã uống thuốc nhưng bà N. càng mẩn ngứa nhiều hơn, lan lên toàn thân. Khi bà xuất hiện choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, gia đình đưa bà đến viện.

Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ. Hiện tại, bệnh nhân đã hết mẩn ngứa, chóng mặt, các chỉ số đều bình thường tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.

Bà N. bị sốc phản vệ sau khi bị côn trùng đốt. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ cho biết với những trường hợp sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ phù thanh quản, suy hô hấp và nguy cơ tử vong rất cao.

Vào mùa hè, côn trùng sinh sôi phát triển mạnh mẽ nên người dân dễ bị đốt nhưng không để ý là loại nào đốt, đặc biệt với người có cơ địa dị ứng càng dễ dẫn đến sốc phản vệ.

Các bác sĩ cũng cảnh báo phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm: thức ăn, thuốc và các yếu tố khác), gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, hoặc sau khi ăn các loại thực phẩm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Có thể sử dụng các biện pháp phòng côn trùng đốt như dùng kem thoa, đi giày dép; phòng dị ứng thực phẩm bằng cách không ăn các thức ăn lạ, hoặc các thức ăn trước đó đã được biết là gây dị ứng (nổi ban, khó thở…). Thực hiện dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát tránh để côn trùng trú ngụ.