Cắt bỏ buồng trứng bị hoại tử

Đây là ca bệnh bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới tiếp nhận trong ngày 20/10.

Nữ bệnh nhân rất trẻ tuổi, chưa có gia đình nhập viện trong tình trạng choáng váng, đau bụng dữ dội, phần phụ có khối ấn vào rất đau đớn. Sau khi thăm khám, bác sĩ Liên nhận định chị L. bị u nang buồng trứng xoắn, cần phải mổ cấp cứu ngay lập tức để tháo xoắn.

“Điều đáng tiếc là nữ bệnh nhân bị hoại tử buồng trứng do u nang buồng trứng xoắn, phải cắt bỏ một phần buồng trứng bị hoại tử", bác sĩ Liên cho hay. 

Ngày hôm qua 20/10 cũng là ngày bác sĩ Liên tiếp nhận nhiều ca chị em nhập viện. Ngoài ca bệnh trên còn có một ca có thai ngoài tử cung, một ca sau sinh 2 tuần theo dõi u nang buồng trứng xoắn, một ca nữ viêm bao gan do viêm phần phụ. 

Hình ảnh siêu âm cho thấy vòng xoắn của buồng trứng và phần phụ. Ảnh: BSCC

Theo bác sĩ Liên, tất cả các trường hợp khi đã được chẩn đóan là u nang buồng trứng xoắn đều phải mổ cấp cứu kết hợp với hồi sức nếu có tình trạng vỡ nang.

Các phương pháp phẫu thuật hiện nay được áp dụng là mổ mở, mổ nội soi. Thông thường nếu chỉ xoắn u nang buồng trứng đơn thuần đơn thuần thì người bệnh được chỉ định cắt bỏ khối u nang, bảo tồn tối đa buồng trứng để không ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần phải tiến hành tháo xoắn, cắt bỏ cả buồng trứng bị hoại tử để tránh nguy kịch tính mạng.

U nang buồng trứng - bệnh chị em hay lơ là

Bác sĩ Liên cho biết, u nang buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tồn tại dưới các dạng khác nhau. Bệnh tiến triển âm thần, khó nhận biết. Khi u còn nhỏ, bệnh nhân hầu như không thấy triệu chứng đặc trưng.

Đa phần phát hiện tình cờ qua thăm khám phụ khoa, kiểm tra sức khỏe tổng quát có siêu âm ổ bụng. Một số trường hợp xuất hiện triệu chứng rong kinh, đau bụng, chướng bụng khiến chị em lầm tưởng đây là cơn đau theo chu kỳ kinh nguyệt.  

Có dấu hiệu đau bụng bất thường, chị em cần đi khám sớm để phát hiện u nang buồng trứng. Ảnh minh họa.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm. Trong đó, u nang buồng trứng xoắn là biến chứng thường gặp nhất của khối u buồng trứng.

“Tất cả các loại u nang buồng trứng đều có thể bị xoắn, nhưng thường gặp ở loại u nang có cuống dài, không bị dính với tạng xung quanh hoặc có trọng lượng vừa phải. Chưa rõ nguyên nhân tuy nhiên ba thời điểm dễ gặp biến chứng u buồng trứng xoắn là sau khi đi tàu xe bị sóc mạnh, 3 tháng đầu có thai và thời kỳ hậu sản do ổ bụng vẫn còn khoảng trống.

Vì chủ quan, thiếu kiến thức nên chị em phụ nữ không chịu đến khám bệnh khi đau bụng, kể cả các bệnh nhân đã được chẩn đoán u nang buồng trứng từ trước.

So với xoắn thừng tinh ở nam giới, bệnh u buồng trứng xoắn ít được quan tâm hơn do buồng trứng nằm sâu trong ổ bụng. Nếu phát hiện sớm, tháo xoắn kịp thời sẽ bảo tồn được buồng trứng.

Trường hợp chị em u nang buồng trứng xoắn đến muộn hơn có thể phải cắt bỏ toàn bộ buồng trứng, gây hậu quả suy giảm nội tiết, giảm khả năng sinh sản về sau", bác sĩ Liên cho hay.

Theo đó, đau bụng là dấu hiệu chủ yếu khi bị u nang buồng trứng xoắn. Chị em xuất hiện triệu chứng đột ngột đau bụng, đau dữ dội khắp bụng, cảm giác đau tập trung vùng hố chậu bên buồng trứng bị xoắn. Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, mặt tái xanh.

Nếu trước đó bệnh nhân đã được chẩn đoán là u nang buồng trứng thì có thể nghĩ đến ngay là u nang buồng trứng xoắn.

“Phẫu thuật u nang buồng trứng xoắn có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ. Do đó, lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn luôn được các bác sĩ cân nhắc. Điều chị em cần làm là quan tâm đến sức khỏe của mình.

Đến tuổi dậy thì, các bé gái cần có khám sản phụ khoa, siêu âm định kỳ 6-12 tháng/ 1 lần. Người có u nang buồng trứng cần theo dõi định kỳ 3 tháng 1 lần.

Nếu có dấu hiệu đau bụng ở hạ vị cần đi khám ngay tránh để tránh buồng trứng bị xoắn do khối u di động trong bụng, để lại hậu quả đáng tiếc”, Bác sĩ Liên nhấn mạnh.