Nhận biết rối loạn tâm thần tuổi học đường
Lứa tuổi học đường dễ bị rối loạn tâm lý, hành vi do phải học quá nhiều và sức ép về thành tích học tập. Những biểu hiện của mỗi lứa tuổi cũng khác nhau nên các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe tâm lý của trẻ.
Lứa tuổi nào cũng có thể mắc
Mỗi lứa tuổi có những biểu hiện rối loạn khác nhau, nhiều khi các bậc cha mẹ không nghĩ rằng đó là những dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Ở lứa tuổi nhà trẻ (2-3 tuổi), khi bắt đầu đến lớp, trẻ bắt đầu phải làm quen với một môi trường mới: không được chăm sóc riêng như trước đây, những đòi hỏi của trẻ cũng không được đáp ứng dễ dàng như trước, trẻ bắt đầu phải đi vào khuôn khổ như phải ăn, ngủ theo giờ... - tất cả những thay đổi này đều có thể gây nên những rối nhiễu ở trẻ mà các bậc cha mẹ cần chú ý theo sát, động viên trẻ.
Lên mẫu giáo, trẻ bắt đầu phải tham gia vào những mối quan hệ xã hội như chơi, hòa đồng với bạn, tham gia vào những hoạt động của lớp... Với những trẻ nhút nhát, các em sẽ cảm thấy rất khó khăn và nếu không được cô giáo, bố mẹ động viên, giúp đỡ, trẻ sẽ càng thu mình lại và cảm thấy bị cô lập.
Mặt khác, những đứa trẻ hiền lành, nhút nhát dễ bị các bạn bắt nạt. Trong trường hợp này, vai trò của cô giáo rất quan trọng, nếu cô không hiểu tâm lý trẻ thì sẽ gây ra xung đột giữa cô và đứa trẻ, xung đột giữa trẻ với bạn. Một lưu ý nữa là tuổi mẫu giáo là tuổi ăn tuổi chơi, trong khi nhiều cha mẹ vì lo con mình vào lớp 1 không theo kịp bạn bè nên dạy con làm tính, tập viết quá nhiều, choán cả thời gian vui chơi của trẻ.
Từ mẫu giáo, trẻ lên lớp 1 và từ đây, những rối loạn tâm lý, hành vi ở trẻ càng dễ xảy ra. Từ một quãng thời gian chỉ biết chơi đùa là chủ yếu, trẻ bước sang giai đoạn phải học thực sự, thời gian vui chơi ít hẳn. Với những đứa trẻ được chiều chuộng hay quá nhút nhát thì đây được coi là một giai đoạn khủng hoảng. Trẻ còn quá bỡ ngỡ với thời gian biểu của một học sinh, mối quan hệ giữa cô - trò cũng khác, học tập trở thành một nhiệm vụ bắt buộc đối với trẻ...
Những vấn đề trên tạo nên sự xung đột giữa nhu cầu của lứa tuổi với những nhiệm vụ mà đứa trẻ phải hoàn thành (mà nhiều khi nhu cầu học là của bố mẹ chứ không phải của các em). Nhiều đứa trẻ sẽ rơi vào tình trạng học như một cái máy, học theo sự điều khiển của bố mẹ và khi các em không đáp ứng được mong muốn của phụ huynh thì bị mắng mỏ, đem ra so sánh với bạn này bạn khác, thậm chí bị đánh đòn. Điều này dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Càng lên những cấp học cao thì sức ép về học hành, điểm số càng nặng nề. Ở giai đoạn này, thời gian học càng kéo dài hơn, nhất là ở những lớp cuối cấp. Sức ép phải vào bằng được trường chuyên, đại học khiến nhiều em học ngày học đêm, học thêm hết lớp này đến lớp kia; lo lắng triền miên, quá ít thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không đủ chất... gây ra những rối loạn cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài có thể sẽ dẫn đến những rối loạn tâm thần.
Ngược lại, một số em ở lứa tuổi này có hiện tượng rối loạn hành vi như nói dối, ăn cắp, bỏ học, bỏ nhà qua đêm, yêu đương, nghiện hút... mà ngoài nguyên nhân xã hội thì nguyên nhân từ phía gia đình rất quan trọng. Nhiều người cho rằng những hiện tượng trên là do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ “không biết dạy con”, nhưng sự thực, nhiều em sinh trưởng trong những gia đình nề nếp, bố mẹ rất nghiêm khắc nhưng ở lứa tuổi rất nhạy cảm, có nhiều biến đổi phức tạp, các em rất dễ nổi loạn và sẽ còn tiếp tục trượt dài nếu không có sự giúp đỡ của người thân.
Những biểu hiện dễ nhận biết
Tùy thuộc vào loại rối loạn tâm thần mắc phải mà trẻ em có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Nhưng các rối loạn đó vẫn có một số triệu chứng chung như: Ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo: trẻ lười ăn, hay quấy khóc, hay cáu kỉnh, ương bướng, không muốn đến lớp...
Trẻ bắt đầu đi học tiểu học: lầm lì, bướng bỉnh, hay kêu đau đầu, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sợ đi học, sống thu mình... Lứa tuổi THCS, THPT: nhức đầu, mắt kém, cơ thể suy nhược, lúng túng, thậm chí sợ hãi khi phải tự giải quyết những công việc không thuộc lĩnh vực học hành; nặng hơn là có những biểu hiện rối loạn tâm thần; những rối loạn hành vi thường thấy: nói dối, ăn cắp, bỏ học, bỏ nhà qua đêm, nghiện hút, yêu đương sớm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Như vậy, những rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường phải được hiểu rộng ra là tất cả những biểu hiện, hành vi, cách ứng xử... bất thường ở trẻ. Trong trường hợp đó, người lớn, nhất là các bậc cha mẹ, thầy cô không nên có những lời nói, hành động làm tổn thương trẻ mà cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, giúp đỡ trẻ thoát khỏi tình trạng đó. Đặc biệt, không nên bắt trẻ thực hiện những nhiệm vụ vượt quá năng lực của trẻ, tạo cho trẻ quá nhiều sức ép bởi điều đó có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề không chỉ bản thân đứa trẻ mà cả gia đình, xã hội phải gánh chịu.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh viễn vì loại đồ ăn được giới trẻ cực ưa chuộng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình để có cách chữa giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia đình và mặc dù không có cách tiếp cận chung nào cho tất cả nhưng các bậc cha mẹ thành công thường có những đặc điểm chung nhất định trong việc nuôi dạy con cái.
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở trong nhà, dán mắt vào màn hình hơn là chơi bên ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù công nghệ có những ưu điểm nhưng vui chơi ngoài trời rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ.