Bùng dịch cúm B khiến nhiều trẻ ốm, sốt tại Bắc Kạn

Ngày 27/10, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Chuyền, Trưởng Khoa phòng chống, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Tính đến sáng nay (27/10), trên toàn tỉnh có 882 học sinh nghỉ học, trong đó 667 học sinh có biểu hiện sốt, ho; số còn lại lý do khác. Hiện có 57 học sinh đang điều trung tâm y tế huyện.

CDC tỉnh triển khai giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các ca mắc. Qua lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với cúm B. Khả năng bùng dịch cúm B".

Lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhi tại Bắc Kạn

Ổ dịch xuất hiện rải rác hầu như tất cả các xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) từ đầu tháng 10/2022, tập trung chủ yếu là Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng.

Trong số hơn 600 trẻ ốm, sốt, có 1 ca tử vong 8 tuổi. Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn tiếp nhận bệnh nhi vào sáng 24/10 trong tình trạng sốt cao trên 40 độ C, hôn mê sâu. Kíp trực và tổ cấp cứu đã nhanh chóng cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhi tử vong vào cùng ngày.

Ông Chuyền cho biết, để kiểm soát tình hình dịch cúm trên địa bàn, CDC tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh hoạt động phòng chống dịch cúm B.

Đặc biệt tại các trường học, hướng dẫn không tập trung đông người khi không cần thiết, khử khuẩn, đeo khẩu trang… Đồng thời, tuyên truyền để người dân chủ động nhận biết dấu hiệu bệnh, kịp thời đến cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi và điều trị.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc cúm B để tránh biến chứng

Thời gian qua, ở nhiều địa phương bùng dịch cúm B. Đây là bệnh truyền nhiễm thông thường, tuy nhiên, bệnh vẫn có những biến chứng nặng nếu không được phát hiện, giám sát, tư vấn kịp thời. Vì vậy, các phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên theo dõi, nếu trẻ em có biểu hiện sốt, có dấu hiệu bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế để hướng dẫn chăm sóc, điều trị

Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần lưu ý: Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, không có bệnh lý gì đặc biệt thì chỉ sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc chườm ấm cho trẻ.

Trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, mới sử dụng một số loại thuốc hạ sốt hay sử dụng như paracetamol, liều lượng thì tính theo cân nặng của trẻ, thông thường là 10-15mg/kg cân nặng và khoảng 4- 6 tiếng mới lặp lại liều dùng 1 lần, uống đủ nước.

Tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe: Đối với trẻ bú mẹ, cho trẻ bú theo nhu cầu, bú nhiều lần hơn so với bình thường. Với trẻ lớn, chuẩn bị cho trẻ các thức ăn mềm, dễ nuốt, cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày. Tăng cường rau xanh, trái cây.

Cha, mẹ chăm sóc trẻ bệnh tại nhà thấy một trong những triệu chứng: Trẻ không ăn uống được hoặc không bú sữa; Trẻ khó thở, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực; Trẻ sốt cao mà uống thuốc hạ sốt không đỡ, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.