Nguyên nhân lợn chết sau khi tiêm phòng vaccine dịch tả châu Phi
Mới đây, tại tại một số địa phương như Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi có tình trạng lợn bị chết sau khi tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định nguyên nhân số lợn bị chết nói trên là do tiêm sai chỉ định.
Thực tiễn đã chứng minh việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi có giám sát của cơ quan thú y sẽ đạt hiệu quả tương đương trong các cuộc khảo nghiệm.
Cung ứng 17.750 liều vaccine không có giám sát của cơ quan thú y
Theo thông tin từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi được cấp phép lưu hành, đơn vị này chỉ đạo Công ty Navetco cung ứng 600.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVA, phối hợp địa phương sử dụng có giám sát của cơ quan thú y. Các lô vaccine mẫu được gửi đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I để kiểm nghiệm, kiểm tra và đạt yêu cầu chất lượng về vô trùng, an toàn và hiệu lực bằng phương pháp công cường độc.
Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y khẳng định việc nghiên cứu, đánh giá, kiểm nghiệm, khảo nghiệm và cấp phép lưu hành cho vaccine này là rất chặt chẽ, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Long cho biết từ đầu tháng 7/2022 đến ngày 26/8, Công ty Navetco cung ứng tổng cộng 23.344 liều vaccine tới 20 tỉnh, thành phố. Trong đó có 4.494 liều vaccine để địa phương sử dụng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 17.750 liều cung ứng nhưng không có giám sát của cơ quan thú y, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cục Thú y và còn 1.100 liều chưa sử dụng.
“Đến nay, những đàn lợn tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đều phát triển tốt, tỷ lệ chết sau tiêm khoảng 0,6%, đây là mức bình thường tương tự các vaccine thú y khác,” Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho hay.
Còn đối với các trường hợp lợn chết sau khi tiêm vaccine tại Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi với tổng số được báo cáo là 1.392 con, ông Long cho rằng nguyên nhân là do việc cung ứng, bán vaccine trực tiếp cho thú y cơ sở và người chăn nuôi tự tiêm không đúng đối tượng chỉ định.
Cụ thể, khuyến cáo của Công ty Navetco chỉ tiêm vaccine cho lợn từ 8-10 tuần tuổi nhưng do không có sự giám sát của cơ quan thú y, người dân lại tiêm cho tất cả các loại lợn gồm cả lợn nái, đực giống, lợn con theo mẹ... Người chăn nuôi tự tiêm vaccine nhưng không có sự giám sát của các cơ quan thú y và Công ty Navetco là nguyên nhân dẫn tới việc tiêm vaccine không đúng tỷ lệ, quy trình, chỉ định.
Bên cạnh đó, hệ thống thú y cơ sở và người chăn nuôi tại một số nơi không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, sử dụng chung kim tiêm, dẫn đến lây lan virus dịch tả lợn châu Phi thực địa trong quá trình tiêm.
Đoàn công tác của Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và Công ty Navetco nhận định tình hình lợn phản ứng, chết sau tiêm vaccine giảm và cơ bản được kiểm soát. Lợn được tiêm vaccine còn sống sẽ có đáp ứng miễn dịch.
Công ty Navetco cam kết hỗ trợ 2 triệu đồng với lợn nái và lợn đực giống; 1 triệu đồng với lợn thịt bị chết sau tiêm vaccine NAVET-ASFVAC đồng thời hỗ trợ thuốc, chất bổ trợ để điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng những con lợn có phản ứng sau tiêm phòng.
Giám sát chặt chẽ việc tiêm vaccine
Trước những lo ngại về tình trạng lợn chết sau khi tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định về trình tự nghiên cứu, thử nghiệm, khảo nghiệm của vaccine này đã đầy đủ căn cứ pháp lý. Bên cạnh đó, hướng dẫn sử dụng cũng được đưa ra đầy đủ nhưng do tiêm sai chỉ định nên mới dẫn đến việc lợn chết hàng loạt.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thực tiễn đã chứng minh việc sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC có giám sát của cơ quan thú y sẽ đạt hiệu quả tương đương trong các cuộc khảo nghiệm. Điều đó để thấy rõ rằng không phải đem lợn của nông dân ra làm vật thử nghiệm vaccine.
Ông Nguyễn Văn Long cho biết Cục Thú y đã yêu cầu 20 tỉnh đang triển khai tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi rút kinh nghiệm từ sai sót trong quy trình tiêm của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi để từ đó giám sát chặt chẽ việc tiêm của tất cả các đàn lợn. Tại một số địa phương quản lý giám sát tốt vẫn đang tiếp tục xin mở rộng việc tiêm vaccine.
Theo ông Nguyễn Văn Long, hiện nay các chính sách hỗ trợ người dân phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đã hết hiệu lực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng đang báo cáo, đề xuất các chính sách mới cho phòng chống cả dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác, trong đó có tính đến đề xuất hỗ trợ sử dụng vaccine./.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...