Kết quả xét nghiệm cho thấy 20 em học sinh dương tính với cúm A (H1N1). Ảnh: HCDC.

Tối 22/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đưa ra kết quả điều tra dịch tễ, tổ chức thăm khám và lấy mẫu xét nghiệm về nguyên nhân khiến nhiều học sinh tiểu học trong cùng một lớp phải nghỉ học.

20 học sinh nghỉ ốm bất thường

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận 10 ngày 16/3, trường Tiểu học Võ Trường Toản có hiện tượng số học sinh nghỉ ốm tăng cao bất thường. Trong 2 ngày 15-16/3, tổng cộng 20 học sinh xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói, một số em sốt đến 39 độ C.

Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Trung tâm Y tế quận 10 để tổ chức thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm.

Qua thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc cúm và thực hiện lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm cúm gửi về Viện Pasteur (TP.HCM) để tiến hành phân lập. Đến ngày 17/3, kết quả cho thấy 6/6 mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A (H1N1).

Tính từ ngày 17/3 đến nay, trường Tiểu học Võ Trường Toản chưa ghi nhận thêm trường hợp mới có triệu chứng.

Công tác chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cúm và Covid-19. Ảnh: HCDC.

Phụ huynh, học sinh không nên hoang mang

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết theo số liệu giám sát trong những tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp ở 2 trường THCS trên địa bàn quận Bình Thạnh và mới đây là trường tiểu học ở quận 10. Các chùm ca bệnh đều được ghi nhận, xử lý sớm nên hạn chế lây lan.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết: "Theo tôi, khi gặp phải tình huống này, chúng ta cần thăm khám, giải thích kỹ cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh. Thực tế, chỉ những em nào thật sự cảm khó chịu, mệt mỏi mới nên ở nhà".

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh nếu không giải thích rõ cho các phụ huynh về tình trạng này, họ sẽ hoang mang, lo lắng và lần lượt cho trẻ nghỉ học. Trên thực tế, bệnh cúm A (H1N1) thường xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh có xu hướng diễn biến nặng ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 60 tuổi hoặc người có bệnh lý nền.

Do đó, một số trẻ có thể đã mắc cúm A (H1N1) khi còn nhỏ và có miễn dịch sẵn, hạn chế bệnh phát triển thành triệu chứng nặng khi mắc lại sau này. Nếu không kịp thời thông tin, các bé có triệu chứng nhẹ hay thậm chí không biểu hiện bệnh cũng cảm thấy lo lắng và nghỉ học theo các bạn.

Theo bác sĩ Khanh, chùm ca bệnh vừa phát hiện tại quận 10 được thông báo sớm nên ngành y tế phản ứng nhanh và kịp thời xử lý tốt, ngăn bệnh cúm không lây lan rộng hơn.

Bên cạnh đó, HCDC cho biết các cơ sở giáo dục cần thực hiện quản lý học sinh bằng công tác điểm danh mỗi ngày. Nếu phát hiện học sinh bị bệnh truyền nhiễm, ghi nhận trường hợp có từ 2 học sinh gặp cùng vấn đề sức khoẻ trong cùng thời gian hoặc số lượng tăng bất thường, nhà trường cần báo ngay cho Trạm y tế và Trung tâm Y tế địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Đồng thời, khi có trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp không rõ lý do, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường phải chủ động liên hệ phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm.

Để phòng bệnh vào thời điểm giao mùa, bác sĩ Khanh khuyến cáo trẻ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, rửa tay thường xuyên, che tay khi hắt hơi và hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, HCDC thông tin phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiêm ngừa các bệnh đã có vaccine như cúm, thủy đậu và quai bị. Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm cũng như hạn chế bệnh diễn tiến nặng.