Lượng đường trong máu thường tăng, giảm trong ngày. Đối với người tiểu đường, đường huyết quá thấp hoặc quá cao đều gây ra các triệu chứng, trong đó có buồn nôn. Người bệnh buồn nôn còn đến từ các nguyên nhân khác.

Tăng hoặc hạ đường huyết

Ở người bệnh tiểu đường, khi lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp dưới 70 mg/dL (hạ đường huyết) hoặc tăng quá cao (tăng đường huyết) sẽ gây ra triệu chứng buồn nôn và nôn. Mức đường huyết hơn 130 mg/dL lúc đói, hơn 180 mg/dL khoảng hai giờ sau bữa ăn hoặc xét nghiệm đường huyết bất kỳ cao hơn 200 mg/dL là tăng đường huyết. Hạ đường huyết nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, người tiểu đường cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên để phòng rủi ro.

Thuốc

Tác dụng phụ của thuốc hạ đường huyết là nguyên nhân phổ biến gây buồn nôn. Dùng thuốc quá liều cũng khiến người bệnh có cảm giác khó chịu này. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi dùng thuốc tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ để chuyển sang một loại thuốc khác phù hợp hơn.

 Biến chứng của tiểu đường như viêm dạ dày, viêm tụy gây ra buồn nôn. Ảnh: Freepik.

Chứng dạ dày

Người bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ mắc chứng viêm dạ dày (dạ dày tiểu đường). Do bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh trong thành dạ dày. Tổn thương dây thần kinh làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày và ruột non, dẫn đến tích tụ thức ăn, gây đầy hơi, đau bụng, buồn nôn... Một số thuốc điều trị tiểu đường cũng làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, gây nên chứng liệt dạ dày. Các triệu chứng gồm cảm thấy no ngay dù ăn ít, chán ăn, no lâu sau ăn, buồn nôn và nôn, ợ hơi quá mức, ợ nóng, đau bụng trên.

Viêm tụy

Người bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị viêm tụy. Tuyến tụy chịu trách nhiệm giải phóng các enzym tiêu hóa và tạo ra insulin, cả hai đều giúp điều chỉnh sử dụng đường glucose của cơ thể. Các triệu chứng của viêm tụy do tiểu đường thường là buồn nôn và đau bụng trên, có thể lan ra sau lưng. Người viêm tụy cần được cấp cứu nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt; tim đập loạn nhịp; bụng sung, chướng và mềm; nôn mửa nhiều.

Nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton do tiểu đường có thể đe dọa tính mạng. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin làm lượng đường trong máu tăng rất cao, ceton tích tụ trong máu đến mức nguy hiểm. Các triệu chứng thường gặp như buồn nôn dữ dội, hơi thở có mùi, thở gấp, tăng khát nước và đi tiểu, mệt mỏi và yếu cơ, mơ hồ, thậm chí mất ý thức, hôn mê.

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến nghị, người bệnh cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để biết chắc chắn đây có phải là nguyên nhân khiến buồn nôn hay không. Trường hợp bị hạ đường huyết, bạn dùng 15 g carbohydrate, kiểm tra lượng đường trong máu sau 15 phút, nếu vẫn dưới 70 mg/dL thì lặp lại cách làm cho đến khi đường huyết tăng lên ít nhất 70 mg/dL. Một số khẩu phần 15 g carbohydrate như viên nén glucose, 2 ống gel glucose loại 10 g, 120 ml nước trái cây hoặc soda; một thìa đường, mật ong hoặc siro; kẹo...

Nếu tăng đường huyết, bạn dùng insulin là cách nhanh để giảm lượng đường trong máu. Người bệnh có thể uống thuốc tiểu đường, uống nước và tập thể dục để đường huyết giảm nhanh, tránh biến chứng nguy hiểm.

Người tiểu đường có thể thực hiện các cách để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ phát triển các biến chứng là nguyên nhân dẫn đến buồn nôn và nôn. Đó là uống thuốc đúng theo đơn, tránh bỏ bữa, kiêng rượu, bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động, có chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng. Mọi người có thể điều trị buồn nôn tại nhà bằng các mẹo như ăn gừng tươi hoặc uống trà gừng, tăng lượng protein trong bữa ăn, uống đủ nước, đứng thẳng sau ăn, tránh mùi mạnh và tập thể dục.