Theo Healthday, tình trạng lạm dụng rượu gây nên hơn 3 triệu trường hợp tử vong trên thế giới mỗi năm.

“Phần lớn thanh, thiếu niên uống rượu với người khác trong môi trường đông người, nhưng một tỷ lệ nhỏ người trẻ thường xuyên uống rượu một mình. Uống rượu, bia trong tình trạng đơn độc là yếu tố làm tăng nguy cơ nghiện rượu trong tương lai”, giáo sư Tâm lý Kasey Creswell, giảng viên ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), phát biểu.

Nghiên cứu của GS Creswell và các đồng nghiệp - được công bố trên tạp chí Drug and Alcohol Dependence - tập trung vào khoảng 4.500 thanh niên ở độ tuổi 18. Nhóm nghiên cứu hỏi các thanh niên về thói quen uống rượu, bia của họ. Khi những thanh niên này đến tuổi 35, nhóm nghiên cứu tiếp tục gặp lại họ để hỏi về thói quen uống rượu, bia và những vấn đề liên quan đến tình trạng nghiện chất cồn.

Kết quả cho thấy so với những người chỉ uống rượu, bia trong môi trường đông người, nguy cơ nghiện rượu trong tương lai của những thanh niên thường xuyên uống rượu một mình đạt 35% đối với thiếu niên và lên tới 65% đối với những thanh niên trên 18 tuổi.

Hơn 3 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm vì nghiện rượu, bia. Ảnh: BBC.

Ngay cả khi tính tới các nguy cơ phổ biến, như thói quen tiệc tùng, vị thế kinh tế và giới tính, GS Kasey Creswell vẫn thấy một mối liên hệ rất mạnh giữa thói quen uống rượu một mình của người trẻ với tình trạng nghiện rượu trong tương lai, theo Healthday.

“Các bác sĩ thường đặt câu hỏi với thiếu niên để phát hiện trường hợp lạm dụng rượu, bia. Các câu hỏi của bác sĩ thường tập trung vào tần suất và lượng chất cồn mà thiếu niên uống. Họ thường không để ý tới bối cảnh xã hội của hành vi uống rượu, bia, đặc biệt việc uống một mình”, GS Creswell bình luận.

Nhóm nghiên cứu nhận định sự can thiệp có mục đích có thể hữu ích để giáo dục người trẻ, đặc biệt phụ nữ, về nguy cơ của việc lạm dụng rượu, bia.

“Trong bối cảnh tâm trạng lo lắng và trầm cảm tăng do đại dịch Covid-19, có thể, chúng ta sẽ thấy những vấn nạn liên quan tới rượu, bia của giới trẻ tăng theo”, GS Creswell cảnh báo.