Nếu như trước đây, nhu cầu của ông bà ta chỉ là được "ăn no - mặc ấm", thì ngày nay xã hội hướng đến nhu cầu "ăn ngon" và hơn hết là "ăn sao cho khỏe". Thế nhưng làm sao để cân bằng giữa việc ăn ngon và bảo vệ sức khỏe là điều không hề dễ dàng. 

Ví dụ có thể nhắc đến là thói quen ăn mặn của người Việt. Khẩu vị của các gia đình từ lâu đã yêu thích sự đậm đà, do đó bữa cơm phải có món mặn mới được coi là bữa ăn ngon. Không chỉ nêm muối khi chế biến, người Việt còn có 2 thói quen tai hại khi ăn đó là: Chấm thực phẩm bằng gia vị và ăn các thực phẩm ướp muối.

Theo Viện Dinh dưỡng, hiện nay lượng natri ăn vào trong chế độ ăn của người Việt Nam trưởng thành trung bình là 3,7g/ngày hay tương đương với lượng muối ăn vào là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức ăn vào khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 2g natri/ngày hay 5g muối/ngày.

Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu. Về lâu dài tăng nguy cơ dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn. Ăn thừa muối cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.

Dưới đây là 2 thói quen người Việt thường có trong mâm cơm, gây thừa muối nghiêm trọng.

Luôn có sẵn 1 bát nước chấm trong mâm cơm

Một trong những thói quen phổ biến của người Việt đó là luôn luôn đặt một bát gia vị mặn như nước mắm, bột canh... giữa mâm cơm. Thói quen chấm đồ ăn đã trở thành một thói quen không thể thiếu được với mọi gia đình. Ngay cả khi món ăn đó đã được tẩm ướp qua quá trình chế biến. 

TS. Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), thói quen chấm thực phẩm góp phần làm gia tăng đáng kể lượng muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não...

Để hạn chế lượng muối ăn khi chúng ta thưởng thức các bữa ăn, TS. Đỗ Thị Phương Hà khuyên các gia đình nên tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm. Thay vào đó, có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu… để vẫn ngon miệng mà không cần chấm gia vị.

Nếu vẫn muốn chấm đồ ăn vào gia vị mặn, chuyên gia khuyên nên pha loãng bát nước mắm của mình hoặc nên chấm nhẹ nhàng. Chứ không nên gắp rau, thịt ngập sâu vào bát nước chấm hay chấm đi chấm lại nhiều lần. 

Bên cạnh đó, các gia đình nên từ bỏ thói quen chấm trái cây vào các loại muối. Hạn chế thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.

Thường xuyên có món ướp muối trong bữa ăn

ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) chia sẻ, hiện nay nhiều gia đình yêu thích các món ăn ướp muối như dưa muối, khô cá, mắm hay chao... Đây là một cách ăn mang nhiều tác hại, bởi các thực phẩm được bảo quản bằng cách ướp muối có nồng độ muối rất cao. 

Việc sử dụng các thực phẩm nhiều muối tiềm ẩn nguy cơ tạo gánh nặng lớn cho thận, tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, gây mất canxi… Chưa kể là kỹ thuật ướp muối hay sản xuất không đảm bảo cũng tiềm ẩn các nguy cơ ngộ độc khác nếu như không kiểm soát chặt chẽ.

"Một điều thú vị là ăn mặn cũng gần giống trạng thái nghiện vậy, nếu chúng ta tiếp xúc độ mặn càng sớm thì khả năng nghiện vị mặn càng cao và độ mặn nếu như không kiểm soát thì cũng sẽ tăng theo thời gian. Vì khi ăn mặn ngoài sự ngon miệng nó còn cho 1 cảm giác sảng khoái nữa.

Bạn sẽ tự hỏi tại sao mình lại ăn mặn vậy? Dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân lớn nhất, đó là bạn chưa thực sự ăn hoặc hiếm khi ăn mà hiện nay bạn chỉ nhai và nuốt. Tâm trí bạn quá bận rộn để cảm nhận thức ăn, bạn quá vội vã để có bữa ăn tử tế cho nên bạn cần gia vị mặn mà mới chạm được ngưỡng vị giác gọi là ngon của bạn", BS Đặng Ngọc Hùng phân tích.

Theo chuyên gia, các gia đình nên ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống vì đây là nguồn dinh dưỡng lành mạnh. Chỉ nên coi thực phẩm bảo quản như một giải pháp ngẫu nhiên hoặc chỉ dùng trong các hoàn cảnh đặc biệt.