Một nữ nhân viên văn phòng 43 tuổi ở Đài Loan (Trung Quốc) có tiền sử u xơ tử cung và bữa sáng các ngày trong tuần cô thường uống nước ép rau củ, trái cây. Thói quen này đã được duy trì suốt 6 tháng.

Gần đây sau khi hết kỳ kinh, người phụ nữ phát hiện âm đạo thỉnh thoảng rỉ ra một chất dịch trong, không màu, không mùi. Ban đầu, chất dịch này còn ít nhưng sau đó ngày càng nhiều tới mức làm ướt quần trong. Chính vì vậy mà dù đã hết "đèn đỏ" nhưng người phụ nữ vẫn phải dùng băng vệ sinh vì sợ làm ướt quần. Tuy nhiên, phần dưới cơ thể bị bịt kín lâu ngày gây ngứa ngáy, khó chịu nên cuối cùng cô đã quyết định đi khám.

Kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy người phụ nữ bị viêm âm đạo. Sau khi điều trị thì triệu chứng ngứa đã cải thiện ngay nhưng vấn đề tiết dịch vẫn còn. Được bạn bè khuyên, người phụ nữ tìm tới một phòng khám Đông y để tư vấn và được chẩn đoán dịch tiết âm đạo nhiều có liên quan đến tuần hoàn vùng chậu kém. Sau hai tháng châm cứu và điều trị bằng Đông y, triệu chứng "chảy nước" của bệnh nhân đã biến mất.

Người phụ nữ kết thúc kỳ kinh nguyệt nhưng vẫn thấy chất lỏng rỉ ra. (Ảnh minh họa)

 

Ít vận động, trao đổi chất kém, đường huyết cao lâu ngày dẫn đến sức khỏe phụ khoa kém

Bác sĩ y học Trung Quốc Chu Tông Hàn - người điều trị cho nữ bệnh nhân này cho biết, cô có thói quen ngồi lâu do làm công việc văn phòng, cộng thêm cơ thể béo phì, trao đổi chất kém, lượng đường trong máu thường cao, tất cả những yếu tố đó dẫn đến tuần hoàn vùng chậu kém, từ đó làm suy yếu sức đề kháng của vùng phụ khoa, dẫn đến nhiễm trùng âm đạo trầm trọng hơn. 

Thông thường, dịch tiết hay còn gọi là khí hư ở phụ nữ khỏe mạnh có tính axit nhẹ, lượng ít, màu trắng đục như lòng trắng trứng và chỉ hơi có mùi tanh nhẹ, có tác dụng làm ẩm âm đạo, bài tiết chất thải, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. 

Tuy nhiên khi phụ nữ mắc các bệnh viêm phụ khoa, khí hư sẽ thay đổi, đặc biệt là khí hư có dính máu phải cảnh giác. Có nhiều nguyên nhân khiến chất dịch này thay đổi như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, u xơ tử cung và nhiều bệnh phụ khoa khác. Tuy nhiên, nếu lượng khí hư ra nhiều và kéo dài thì nên tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ sản phụ khoa  trước tiên để loại trừ nguy cơ ung thư cổ tử cung cùng với ung thư nội mạc tử cung hoặc ống dẫn trứng.

 

Ngồi lâu, béo phì, trao đổi chất kém, đường huyết cao là những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe vùng phụ khoa. (Ảnh minh họa)

Trái cây và rau quả có tính lạnh, dùng lâu dài dễ dẫn đến cơ thể lạnh

Ngoài các yếu tố trên, bác sĩ Chu Tông Hàn cho biết thói quen uống nước ép rau củ quả của nữ bệnh nhân cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng mà y học Trung Quốc gọi là hội chứng tỳ hư, ẩm ướt, có thể dẫn đến các vấn đề điều hòa chuyển hóa nước trong cơ thể gặp trục trặc. Do đó, tình trạng lượng khí hư ra nhiều như nước là dấu hiệu của tuần hoàn kém.

Do đó, bác sĩ Chu Tông Hàn nhắc nhở người phụ nữ nên thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm tần suất uống nước ép rau củ hoặc bổ sung thêm bột nghệ, bột quế, gừng xay khi uống, nhờ đó tần suất tiết dịch âm đạo giảm nhẹ.

Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, hầu hết các loại rau và trái cây đều có tính chất lạnh, tiêu thụ lâu dài có thể dễ dàng dẫn đến thể chất lạnh và làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể. Do đó, bác sĩ mới đề nghị nên thêm các loại gia vị có tính nóng vào nước ép rau quả để cân bằng tính lạnh.

Nước ép rau quả có tính lạnh, phụ nữ không nên uống nhiều hoặc nên kết hợp với các gia vị có tính nóng để cân bằng. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, bác sĩ Chu Tông Hàn cũng nhắc nhở nên chú ý đến lượng rau củ quả sử dụng, đặc biệt là những loại trái cây có hàm lượng đường cao, nếu tiêu thụ quá nhiều dễ dẫn đến tăng lượng đường trong máu và béo phì. Tỷ lệ rau và trái cây được khuyến nghị là 2:1 nhưng nếu muốn dễ uống và ngon hơn thì có thể thay đổi tỷ lệ là 3:1.

Đặc biệt chú ý sử dụng ngay sau khi ép để tránh tình trạng oxy hóa làm mất đi vị ngon và cũng dễ gây hư hỏng. Nên uống vào buổi sáng hoặc buổi trưa khi dương khí mạnh, uống vào ban đêm có thể gây đi tiểu nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ. 

Phụ nữ bị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc thường xuyên ra dịch âm đạo trong nên tránh các thực phẩm có tính lạnh, giảm ăn đồ ngọt và hình thành thói quen tập thể dục, tập nhiều bài tập vùng chậu có thể giúp cải thiện lưu thông máu tử cung và giảm triệu chứng tiết dịch quá mức.

Tin liên quan