Nhiều phụ nữ U30 ‘mãn kinh’ như tuổi U50

Mới đây, theo thông tin từ Báo Người Lao Động, một cô gái trẻ sinh năm 1996 (ở Hà Nội) cùng bạn trai đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, điều khiến cô bất ngờ đó là kết quả siêu âm, xét nghiệm cho thấy cô bị vô sinh vì cạn kiệt trứng.

Kết quả kiểm tra cho thấy cô gái bị vô sinh do cạn kiệt trứng. Hình ảnh siêu âm không còn nang trứng, hormone dự trữ buồng trứng cũng không có, tương đương người phụ nữ mãn kinh. Bệnh nhân gần như không còn khả năng làm mẹ. "Phương án duy nhất để mang thai là phải xin trứng của người khác, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người chồng", bác sĩ nói trên VnExpress.

Nhiều cô gái gặp tình trạng suy buồng trứng sớm. Ảnh: Internet

 

Trước đây, nếu như suy buồng trứng thường chỉ gặp ở phụ nữ nhiều tuổi thì nay chị em tầm 25-30, thậm chí dưới 25 tuổi đã bị suy buồng trứng, y học gọi đó là suy buồng trứng sớm.

Theo Báo Công Lý, M.L.H. (27 tuổi, ở Hà Nội) kết hôn vài năm nhưng không có con. Sau khi thăm khám, bác sĩ bất ngờ nhận thấy 2 buồng trứng của chị H. đã teo hết. Các chỉ số xét nghiệm đều cho thấy tình trạng suy buồng trứng sớm rõ rệt. Cả gia đình đều sốc và bất ngờ vì tuổi của bệnh nhân còn quá trẻ, không nghĩ rằng tuổi mãn kinh của bệnh nhân lại sớm như vậy.

Chuyên gia nói gì về tình trạng này?

Theo thông tin từ Báo Kinh tế đô thị, khi nghe kết quả, bệnh nhân đã bật khóc rồi ngất lịm. Tỉnh lại, chị không tin vào điều đó. Chị vô cùng ân hận, day dứt, nghĩ rằng giá như mình đi khám sản phụ khoa sớm hơn thì đã được tư vấn và điều trị sớm hơn.

Theo bác sĩ, một đặc điểm chung của nhiều bạn nữ có chu kỳ kinh không đều là có thân hình mũm mĩm. Trong đó, mỡ và đường là kẻ thù của buồng trứng là điều cần nhấn mạnh. Bác sĩ cho hay, chế độ ăn càng nhiều rau và vi chất, đặc biệt là các loại rau, hoa đậm màu sẽ càng tốt cho sự phát triển của buồng trứng. Ngược lại, cần điều chỉnh lại chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ và các chất tạo ngọt, tránh gặp nhưng nguy hại.

Các món ăn gây suy kiệt buồng trứng. Ảnh: Internet

Ngoài ra, một thực trạng là nhiều chị em lại đang rất chủ quan với bất thường ở kinh nguyệt. Có 2 khả năng xảy ra khi kinh nguyệt không đều. Nữ bệnh nhân 27 tuổi cho biết bản thân bắt đầu có kinh nguyệt từ năm lớp 7. Thời gian đầu 3 - 4 tháng mới có kinh một lần. Cách đây 5 năm, khoảng 6 tháng mới kinh một lần và 3 năm gần đây hoàn toàn không có kinh nguyệt. Vì bận rộn công việc cũng như nghĩ đơn giản là tình trạng này không quá nghiêm trọng nên cô không đi khám.

Theo bác sĩ Phan Chí Thành - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, nếu các bệnh nhân nói trên đi khám lúc kinh nguyệt còn đều, bác sĩ sẽ tư vấn nên sinh sản sớm hơn bằng các biện pháp như bơm tinh trùng vào tử cung hoặc thụ tinh ống nghiệm để có con. Nếu bệnh nhân để thêm 1-2 năm nữa mới đi khám sẽ mãn kinh, không thể sinh sản và nguy cơ lão hóa nhanh.

Bệnh nhân đến khám và nghe tư vấn. Ảnh: Kinh tế đô thị

Theo bác sĩ Phạm Thúy Nga - trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - dấu hiệu đầu tiên của suy buồng trứng thường là rối loạn kinh nguyệt, trễ kinh, có thể tồn tại trong nhiều năm hoặc phát triển sau khi mang thai hay sau khi ngừng thuốc tránh thai.

Bên cạnh đó, có thể khó mang thai, nóng ran hay còn gọi là bốc hỏa, khô âm đạo, khó chịu hoặc mất tập trung, giảm ham muốn tình dục.

Ngay khi có những biểu hiện rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh thưa, ít, giảm dần… nữ giới cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra càng sớm càng tốt. Bởi rối loạn kinh nguyệt là một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất.

Hiện nay, xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn hơn trước, có người sau 35 tuổi. Vì vậy, chị em có ý định lập gia đình muộn nên đi khám phụ khoa để xem chất lượng trứng của mình còn tốt hay không. Với những phụ nữ có khả năng tài chính tốt, muốn bảo tồn khả năng sinh sản có thể chọn phương án trữ trứng để sử dụng sau này.