Thói quen ít uống nước có thể khiến thận hoạt động kém hiệu quả, từ đó gây sỏi thận, suy chức năng thận. Ảnh: Freepik.

Cách thời điểm nhập viện khoảng một tuần, người phụ nữ ở Quảng Ninh thấy đau nhiều vùng thắt lưng. Cơn đau lan ra đằng trước kèm theo buồn nôn, toàn thân mệt mỏi.

Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, kết quả siêu âm, xét nghiệm, chụp CT Scanner cho thấy thành bể thận của người này giãn rất mỏng, sỏi thận phải kích thước khoảng 2x2 cm làm mất chức năng thận.

Ngay lập tức, người phụ nữ này được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ thận phải kèm khối sỏi thận.

ThS.BS Nguyễn Như Trung, khoa Ngoại thận - Tiết niệu, khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe. Đặc biệt, những người có tiền sử sỏi thận nhưng không thấy đau hoặc chủ quan mà chưa đi khám bệnh.

Chỉ đến khi bệnh có biến chứng nặng mới nhập viện điều trị, nhiều trường hợp trong số đó đã phải cắt một bên thận do sỏi.

"Mỗi người hãy đảm bảo uống đủ lượng nước mỗi ngày. Việc lười uống nước sẽ khiến hệ tiết niệu không được hoạt động hiệu quả, lượng nước tiểu sẽ đọng lại. Chúng trở nên đậm đặc dễ hình thành nên tình trạng sỏi đường tiết niệu và sỏi thận", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, điểm quan trọng là hầu hết bệnh nhân sỏi thận đều không thích uống nước. Nước tiểu bị cô đặc lâu ngày, khiến các chất hòa tan quá bão hòa rồi lắng đọng với canxi để tạo thành sỏi.

Nếu lấy nước tiểu của người uống ít nước soi trên kính hiển vi, chúng ta sẽ thấy những hạt hoặc những tinh thể. Siêu âm cũng thấy rất rõ, nước tiểu trong bàng quang lởn vởn đục, thậm chí quan sát thấy tinh thể lấp lánh trôi nổi, những thứ này kết tinh dần lại thành sỏi sẽ làm bạn rất đau.

Để duy trì các chức năng sinh lý, cơ thể con người cần khoảng 3-4 lít nước tổng số mỗi ngày, một nửa trong số đó lấy từ thức ăn. Như vậy, lượng nước cần uống trung bình khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày.