Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng ngày 5/3. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Sáng 6/3, bệnh viện cho biết 12 giờ sau điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, không gặp các biến chứng do đến viện kịp thời. 

Theo các bác sĩ, rượu được điều chế từ ethanol dễ dàng được hấp thu qua đường tiêu hóa (80% được hấp thu ở ruột non). Nếu dạ dày rỗng, nồng độ đỉnh của ethanol đạt được sau uống là 30 - 60 phút. Chuyển hóa ethanol chủ yếu tại gan, chỉ 2 - 15% ethanol được đào thải qua hơi thở, nước tiểu và qua da dưới dạng không đổi.

Sau uống, nồng độ ethanol có thể đạt mức trên 100mg/dL, giảm khoảng 15 - 30mg/dL mỗi giờ.

Loại rượu tự pha chế nguy hiểm nhất là loại có chứa methanol. Đây là cồn công nghiệp, không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nếu uống rượu tự pha chế bằng methanol, sau khi uống, methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa (nồng độ đỉnh đạt được sau 30 - 90 phút) gây ngộ độc rất nhanh và nặng. Methanol có thể hấp thu qua da và đường hô hấp.

"Ngộ độc cấp tính dẫn tới nhập viện thường do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ methanol", bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết.

Với ngộ độc rượu ethanol, triệu chứng từ nhẹ (hưng cảm, mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn) đến nặng (hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp), biến chứng hạ đường huyết.

Với ngộ độc rượu pha chế có methanol, lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự. Giai đoạn này diễn ra khoảng 8 giờ sau uống nếu là methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả ethanol nên biểu hiện có thể chậm, sau 18 - 24 giờ hoặc lâu hơn. Biểu hiện ngộ độc gồm: thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù). Nặng hơn, bệnh nhân có thể giãn đồng tử, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật, tiểu ít hoặc vô niệu (không tiểu được), thậm chí tử vong.