Hoại tử vì căng da bụng

Trả lời trên phunuonline, bác sĩ Vũ Hữu Thịnh, Quản lý và điều hành Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết gần đây đã tiếp nhận khoảng chục ca tai biến sau khi sử dụng dịch vụ làm đẹp ở các cơ sở bên ngoài. Chỉ riêng từ đầu tháng Mười tới nay, bác sĩ Thịnh đã khám và điều trị cho sáu ca tai biến do làm đẹp.

Nặng nhất trong số trường hợp làm đẹp bị tai biến là chị P.T.K.L., 38 tuổi, ngụ Q.Tân Bình. Chị L. đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng có vết thương ở phần bụng, bệnh nhân đau đớn, sốt cao, đi lại khó khăn. Khi khám cho chị L., bác sĩ Thịnh nhận thấy vùng bụng dưới của chị có vết mổ dài khoảng 15cm, hoại tử thối đen không khép miệng được.

Người phụ nữ bị hoại tử hoàn toàn vùng bụng

Bệnh nhân kể trước đó chục ngày đã đi phẫu thuật căng da bụng tại một cơ sở bên ngoài vì hiếm khi thấy giảm giá sâu tận 50%. Chị L. được nhập viện, điều trị bằng cách cắt lọc làm sạch lại vết mổ và lấy phần da ở đùi ghép vào vết thương ở bụng. Sau một tuần, phần da được ghép hồi phục tốt, vết thương đã lành nhưng sẽ để lại sẹo, gây xấu về thẩm mỹ. Nếu chị L. đến bệnh viện chậm trễ hậu quả có thể còn nặng nề hơn, nguy cơ nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Ngoài chị L. còn nhiều ca phải nhập viện sau khi làm dịch vụ thẩm mỹ ở các cơ sở thiếu uy tín. Ngày 7/10, cô gái trẻ H.T.T., 25 tuổi, đến khám vì mắt phải bị tấy đỏ, nhìn mờ, đau nhức sau khi chích filler nâng mũi tại một spa khoảng ba ngày. T. đã được bác sĩ Thịnh cho dùng thuốc kháng viêm và chuyển xuống theo dõi tại chuyên khoa mắt của bệnh viện.

Được biết cách đây 2 ngày, chị T.T.K.D., 43 tuổi, cũng đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám vì vết thương ở quầng vú nhiễm trùng, không lành. Trước đó, chị D. đi phẫu thuật thu nhỏ quầng vú ở một spa gần nhà. Người thực hiện phẫu thuật cho chị đã khâu sai lớp, không đúng kỹ thuật nên vết thương bị bung ra, không cách nào liền lại được. “Thay vì phải khâu chỉ tiêu ở lớp bên trong rồi mới khâu lớp da bên ngoài thì họ chỉ khâu mỗi lớp bên ngoài”, bác sĩ Thịnh cho biết.

Giá càng rẻ càng lo

Lướt một vòng các trang mạng, dễ dàng tìm được vô số thông tin quảng cáo làm đẹp đang được khuyến mại “khủng” trong mùa dịch COVID-19. Spa B. ở Thủ Đức giảm 50% chi phí tất cả dịch vụ, thậm chí còn trả tiền một được làm hai (treo cung mày tặng thêm phun chân mày điêu khắc). Thẩm mỹ viện A. khuyến mại cả gói phun/xăm chân mày - môi - mí chỉ còn 5 triệu đồng (giá chưa giảm là 15 triệu đồng). Bên cạnh đó, các dịch vụ như làm đẹp “vùng kín”, căng da bụng, tiêm filler (chất làm đầy) trẻ hóa… cũng theo đó mà giảm giá mạnh.

Trả lời trên phunuonline:Theo tiến sĩ - bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh, các cơ sở thẩm mỹ tư nhân nói chung vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh thu bị tổn thất nặng nề. Chính vì thế, các cơ sở làm đẹp này phải tung ra những chiêu quảng cáo, giảm giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, người có nhu cầu làm đẹp khi nghe giảm giá thì đừng vội mừng mà cần kiểm tra có giảm luôn cả chất lượng và kỹ thuật hay không? Nếu giá giảm mà còn được tặng kèm các kỹ thuật thêm gấp mấy lần thì càng phải thận trọng.

Bác sĩ Bích cũng ghi nhận một số trường hợp làm thẩm mỹ mùa dịch bị biến chứng nhưng vì đó chỉ là thủ thuật nhỏ nên họ âm thầm chịu đựng, hoặc bệnh nhân tự quay lại chính nơi thực hiện thủ thuật cho mình để khắc phục hậu quả, ngại đi bệnh viện hay những cơ sở khám bệnh đông người bởi tâm lý sợ dịch. Nói chung, tất cả kỹ thuật, thủ thuật thẩm mỹ có xâm lấn thì đều có ít nhiều tỷ lệ tai biến, biến chứng. Để hạn chế điều này, người có nhu cầu làm đẹp nên tìm tới các cơ sở thẩm mỹ lớn, uy tín, danh mục kỹ thuật hoạt động được Bộ Y tế cấp phép.

Tuy vẫn còn chịu ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nhưng theo bác sĩ Bích, thị trường làm đẹp đã bắt đầu khởi sắc trở lại, một số nơi phục hồi ở mức 50% so với trước đây, thay vì 0% ở thời điểm giãn cách và sau đợt giãn cách.