Theo thông tin từ VietNamNet, em Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 2009), học sinh lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Khắc Viện (Hương Sơn - Hà Tĩnh) vừa hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10/2024 với tổng điểm xét tuyển vào Trường THPT chuyên Hà Tĩnh 50.75 (Ngữ văn 9; Tiếng Anh 7,5; Toán 8; điểm chuyên môn Sinh học 8,75). Ở bậc THCS, Thúy luôn là học sinh giỏi, lớp 8 đạt giải nhất HSG huyện, lớp 9 đạt giải nhất tỉnh môn Sinh học. 

Cô Nguyễn Thị Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9C cho biết: "Em Thúy mồ côi cha, sống với mẹ. Cuộc sống của hai mẹ con rất khó khăn nhưng em luôn dẫn đầu trong học tập".

Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng  hai mẹ con Thúy hiện đang ở là nhà của cậu nhường lại, bản thân hai mẹ con không có nhà. Mẹ Thúy là chị Bùi Thị Thủy (SN 1973) bị bệnh tim nặng phải đi viện thường xuyên.

Em Ngọc Thúy mồ côi cha, mẹ mắc bệnh tim - Ảnh: VietNamNet

Năm 2009 chị Thủy lập gia đình với anh Nguyễn Thành Ơn (SN 1949, quê Hà Nội) khi cả hai cùng làm công nhân. Năm 2014 anh Ơn mất, hai mẹ con về nương nhờ bà ngoại tại xã Sơn Ninh. Không có ruộng sản xuất, chị phải làm thuê đủ việc để trang trải cuộc sống và nuôi con. Mấy năm trở lại đây chị mắc bệnh tim, không còn sức để lao động nên chuyển sang buôn bán rau ngoài chợ.

“Buổi sáng tôi đi vào trong dân mua các loại rau, chiều đem ra chợ để hai mẹ con ngồi bán. Ngày nào bán hết thì kiếm được 50.000đ-60.000 đồng. Có những ngày trời nắng rau không bán hết, bị héo thì coi như lỗ vốn. Nhà không có tủ lạnh nên số rau ế lại về nhà không biết cất vào đâu. Cháu Thúy đậu vào trường THPT chuyên của tỉnh thì rất mừng nhưng sau này không biết lấy tiền ở đâu cho cháu theo học”, chị Thủy tâm sự. 

Trong căn nhà của mẹ con chị Thủy, tài sản thấy được là chiếc bàn để uống nước, chiếc xe đạp cọc cạch mà hai mẹ con vẫn đèo nhau đi chợ bán rau mỗi ngày. Chiếc iPad do nhà tài trợ tặng cho học sinh nghèo vượt khó có lẽ là thứ đáng giá nhất ở gia đình này.

Thúy mong ước làm bác sĩ để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: VietNamNet

Trước đó, theo thông tin từ báo Lao Động, nam sinh Hoàng Long Vũ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có nguy cơ bỏ lỡ đại học vì hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại vùng quê thuộc xã An Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), ngay từ khi còn nhỏ, Long Vũ đã luôn nỗ lực học tập và trong suốt 12 năm liền, em đều là học sinh giỏi. Không dừng lại ở đó, Long Vũ chủ động vạch ra mục tiêu học tập và quyết tâm phấn đấu để có thể giành lấy tấm vé vào đại học. Nhờ những cố gắng của mình, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Long Vũ nhận được tổng điểm 27,85 khối A, trong đó các môn Toán, Vật lý và Hoá học lần lượt cố số điểm là: 8,6; 9,5 và 9,75.

Với niềm đam mê lĩnh vực công nghệ, Vũ đã đặt nguyện vọng 1 vào Ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, Vũ lo sợ việc học của mình sẽ bị trì hoãn lại.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hoàng Long Vũ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đạt tổng 3 môn khối A là 27,85 điểm, đỗ vào Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Báo Lao Động

Chia sẻ thêm về ước mơ học đại học của mình, Long Vũ cho biết, mình thật sự khao khát được đến trường và tìm hiểu rất nhiều thông tin của trường. "Thi thoảng em hay vào trang tuyển sinh của trường để tìm hiểu xem mức học phí cũng như thông tin về ngành học của mình. Em được biết, để học được ngành Khoa học máy tính, sinh viên sẽ phải đóng 40 triệu đồng/học kỳ. Ngoài tiền học phí ra còn có nhiều khoản chi phí sinh hoạt khi đi học rất tốn kém" - nam sinh cho hay.

Chứng kiến hoàn cảnh của gia đình cũng như nguy cơ phải dừng lại việc học của cháu trai, bà Lê Thị Thành (67 tuổi, bà nội Vũ) không kìm được lòng. Mặc dù thương Vũ nhưng do ông bà nội cũng tuổi cao sức yếu nên không thể bảo đảm được việc nuôi em ăn học. Trước đó, ông bà nội của Vũ cũng phải vất vả, lo tiền chữa trị cho mẹ của Vũ.

Biết tin Vũ đỗ đại học với kết quả cao, tôi thực sự rất mong cháu có được cơ hội đến trường. Nghĩ đến cảnh cháu không được đi học, gia đình chúng tôi cũng rất đau lòng. Hiện tại, ông nội của Vũ đã gần 80 tuổi nhưng vẫn đều đặn làm việc mỗi ngày, là trụ cột chính trong gia đình" - bà Thành xót xa nói.