Thông tin từ BV Da Liễu TP.HCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp nấm da không điển hình. Điều trị nhiều lần nhưng không khỏi.

Bệnh nhân nam (55 tuổi, ngụ Vĩnh Long, làm vườn và buôn bán dép ở chợ đêm), tìm đến BV Da Liễu TP.HCM thăm khám vì ngứa, da nổi đỏ khắp người, đã điều trị ở bệnh viện địa phương nhưng không khỏi.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện 1 năm, bệnh nhân bị nổi đỏ ở vùng đùi rồi lan khắp người, gây ngứa, tưởng bị ghẻ nên có tự điều trị tại nhà nhưng không khỏi, sau đó có đi bệnh viện được chẩn đoán là bệnh vảy nến và được điều trị ngoại trú khoảng 8 tháng nhưng vẫn không khỏi bệnh.

Bệnh nhân đã uống nhiều loại thuốc (tây và nam) không rõ tên nhưng bệnh ngày càng có biểu hiện nặng  hơn, ngứa nhiều hơn, sang thương da cũ lan rộng, đỏ và đóng vảy dày hơn, nổi thêm nhiều sang thương mới.

Lúc này, bệnh nhân tìm đến BV Da Liễu TP.HCM thăm khám. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận và chẩn đoán bệnh nhân bị chàm bội nhiễm, vảy nến, ghẻ. Được điều trị tích cực theo đúng phác đồ, tuy nhiên bệnh vẫn không giảm.

Bệnh nhân được nhập viện làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả xét nghiệm và hội chẩn ghi nhận bệnh nhân bị nấm da do vi nấm sợi tơ, ngoài ra bệnh nhân còn được phát hiện bị đái tháo đường tuýp 2. Sau khi tìm ra nguyên nhân, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân giảm ngứa, sang thương da giảm đỏ, giảm vảy. Sau 30 ngày điều trị, bệnh nhân hết ngứa, sang thương da sạch hoàn toàn.

Do chẩn đoán nhầm bệnh, người đàn ông bị ghẻ ngứa hành hạ. Ảnh minh họa

Theo BS Đặng Thu Hương, BV Da Liễu TP.HCM, bệnh nấm da do vi nấm sợi tơ tương đối dễ chẩn đoán trên lâm sàng. Tuy nhiên, khi xảy ra trên bệnh nhân mắc đái tháo đường chưa điều trị, điều kiện vệ sinh ăn uống kém,... thì biểu hiện lâm sàng không còn điển hình khiến việc chẩn đoán nhiều khi gặp khó khăn, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý có hồng ban, sẩn, ghẻ, chàm, vảy khác, đặc biệt là vảy nến. Trường hợp này, bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm với bệnh chàm (1 lần), ghẻ (1 lần), vảy nến (nhiều lần).

Vì vậy, BS Hương khuyến cáo, khi điều trị theo đúng phác đồ mà bệnh không đáp ứng, thậm chí còn nặng thêm thì cần xem xét lại bằng cách tiếp cận những bệnh lý có sang thương là hồng ban, sẩn, vảy nhằm tìm ra chẩn đoán chính xác, giúp điều trị thích hợp. Bởi nếu chẩn đoán không chính xác, bệnh sẽ dai dẳng, ngứa nhiều, gây mất ngủ, dễ cáu gắt hoặc gây thêm các biến chứng chàm hóa, bội nhiễm và lây cho người khác làm giảm chất lượng cuộc sống, tốn kém thời gian, sức lực, chi phí cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Theo y văn, biểu hiện bệnh do vi nấm sợi tơ trên bệnh nhân tiểu đường thường là những mảng không viêm, vảy trắng, khô, đóng lớp dày, không thấy lành ở trung tâm hay không thấy viền bờ nổi cợm ở các sang thương, số lượng sang thương nổi lên nhiều nên dễ nhầm với bệnh lý chàm, ghẻ hay vảy nến. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường có triệu chứng cơ năng ngứa nhiều, nếu không được điều trị hay điều trị không đúng, thương tổn nấm có thể lan tỏa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng trên toàn thế giới, những biểu hiện ngoài da có thể giúp phát hiện bệnh đái tháo đường, trong khi bệnh đái tháo đường cũng có thể làm nặng hơn các bệnh lý ngoài da.

Qua trường hợp này, BS Đặng Thu Hương khuyến cáo, nên xét nghiệm đường huyết ở những người lớn tuổi để phòng ngừa và hạn chế các biến chứng do đái tháo đường gây ra. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau mỗi 1-3 năm. Có thể xét nghiệm sớm hơn tùy thuộc kết quả xét nghiệm trước đó và yếu tố nguy cơ.