Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
 

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong vòng 1 tháng (từ 6/9 đến 6/10), trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1.119 trường hợp mắc Covid-19, tăng gấp 5 lần so với tháng trước đó. Điều đáng lo ngại là cùng với các trường hợp mắc Covid-19 gia tăng, thì các trường hợp mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong cũng tăng theo. Cụ thể, chỉ trong 1 tháng qua toàn tỉnh đã có 8 bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Trong thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng từ tuyến huyện chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên - bệnh viện tuyến cuối của tỉnh có xu hướng tăng nhiều so trước đây. Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của khoa hiện có khoảng 20 giường đều đã kín bệnh nhân. Điều đáng lo ngại là có một số trường hợp bệnh rất nặng, nguy kịch phải chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực-chống độc để cấp cứu điều trị.

Qua thăm khám, điều trị cho thấy, hầu hết các bệnh nhân mắc Covid-19 được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên bị suy hô hấp nặng, tử vong rơi vào đối tượng lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền và phần nhiều trong số này lại không tiêm vaccine hoặc mới chỉ tiêm 1-2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Chẳng hạn như bệnh nhân là N.X sinh năm 1947, trú tại thôn 4, xã Hòa Tân, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, ngày 25/9 bệnh nhân mệt, kèm theo sốt, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, điều trị không đỡ nên chuyển Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị, kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Bệnh nhân tử vong lúc 21 giờ 30 phút ngày 30/9 với chẩn đoán sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa cơ quan như tổn thương thận cấp, rối loạn đường máu-điện giải, viêm phổi nặng, nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nặng ngày 8, di chứng đột quỵ cũ, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy kiệt tuổi già… Bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19.

Hay như bệnh nhân T.T.C sinh năm 1931, trú tại thôn 4, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, ngày 25/9 bệnh nhân mệt, khó thở, nhập Bệnh viện Y dược thành phố Buôn Ma Thuột khám và điều trị. Kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên khu điều trị Covid-19, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Bệnh nhân tử vong lúc 20 giờ ngày 26/9 với chẩn đoán tử vong do sốc tim, suy tim, nhồi máu cơ tim cũ biến chứng suy đa cơ quan, nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nặng ngày 4, viêm phổi nặng, bệnh thận mạn, tăng huyết áp, suy kiệt. Bệnh nhân có tiền sử suy tim, nhồi máu cơ tim cũ, bệnh thận mạn, tăng huyết áp và đã tiêm 3 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.

Qua thực tế điều trị, các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sĩ Phạm Hồng Lâm chia sẻ: Những người có bệnh nền khi nhiễm Covid-19 dễ khiến bệnh trở nặng khó kiểm soát, thời gian điều trị lâu hơn do cơ thể suy giảm miễn dịch, đáp ứng kém với thuốc điều trị. Do vậy, những người trên 60 tuổi có nhiều bệnh lý nền thường gặp như tiểu đường, cao huyết áp, phổi mãn tính, bệnh thận nặng và ung thư… nên tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 như khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng cường miễn dịch.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến tận người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Tính đến hết ngày 30/9/2022, toàn tỉnh đã tiêm 4.598.708 liều vaccine; trong đó, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, mũi 2 đạt 100%, mũi 3 đạt 88,3% và mũi 4 đạt 77,1%. Với nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 đạt 100%, mũi 3 đạt 81,7%, chưa tiêm mũi 4. Riêng nhóm đối tượng từ 5-11 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 97,9%, tiêm mũi 2 chỉ đạt 54,6% và chưa tiêm mũi 3, mũi 4.

Đặc biệt, trước tình hình bệnh nhân mắc Covid-19 gia tăng trở lại, vào cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít người dân chủ quan cho rằng dịch Covid-19 đã được kiểm soát, ngăn chặn nên không tiêm các mũi nhắc lại. Vì vậy, đến nay tại nhiều địa phương trong tỉnh tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, 4 vẫn còn thấp.

Bà H’B.R ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông cho biết: Đến nay bà mới tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Thời gian qua, bà được cán bộ Ban Tự quản buôn đến tuyên truyền, vận động đi tiêm vaccine mũi 3, 4 để phòng, chống Covid-19 nhưng một phần do bận công việc nương rẫy, một phần bà thấy dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, việc đi lại bình thường nên bà chưa đi tiêm những mũi nhắc lại.

Còn anh N.V.H. một người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: Đến nay tôi đã tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19. Thời gian qua thấy tình hình dịch Covid-19 trên cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã được kiểm soát nên tôi đang theo dõi, nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp trở lại thì tôi sẽ đi tiêm mũi 4 theo khuyến cáo của ngành y tế.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho thấy, tính đến hết ngày 30/9/2022, toàn tỉnh đã tiêm 4.598.708 liều vaccine; trong đó, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, mũi 2 đạt 100%, mũi 3 đạt 88,3% và mũi 4 đạt 77,1%. Với nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 đạt 100%, mũi 3 đạt 81,7%, chưa tiêm mũi 4. Riêng nhóm đối tượng từ 5-11 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 97,9%, tiêm mũi 2 chỉ đạt 54,6% và chưa tiêm mũi 3, mũi 4.

Do tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một số địa phương còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu về miễn dịch cộng đồng nên thời gian gần đây các trường hợp mắc Covid-19 và các trường hợp chuyển nặng, tử vong do Covid-19 trên địa bàn có xu hướng gia tăng trở lại.

Nhằm hạn chế các trường hợp mắc Covid-19 và các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn, theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 như khuyến cáo của ngành y tế để tạo miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm bệnh, đồng thời người dân cần tuân thủ nghiêm những quy định phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế đề ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.